Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NÉT ĐẸP THIÊN NHIÊN HOANG DÃ VIỆT NAM

   
Rắn sọc khoanh vàng Elaphe mandarina - Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo

Hầu hết các loài rắn trong giống Elaphe thường có hoa văn, sắc màu rất đẹp và ấn tượng. Cách bố trí sắc màu của những loài này thường làm cho kẻ thù của chúng và ngay cả con người lầm tưởng với loài rắn cực độc trong tự nhiên. Tuy nhiên chúng là những loài rất hiền và vô hại đối với chúng ta. Cũng chính vì màu sắc và vô hại đối với con người nên giống rắn này thường trở thành vật nuôi của rất nhiều vị khách nước ngoài chơi cảnh. Đây đang là thảm hoạ đối với dòng họ của chúng. Elaphe mandarina là một ví dụ điển hình. Hiện nay loài rắn này bị săn đuổi, bắt, bán với giá rất cao ở vùng loài này phân bố. Vì là loài hiếm nên chúng ngày càng hiếm hơn và rất có khả năng đứng trên bờ vực tuyệt chủng trong thiên nhiên. Đây cũng là mảng tối trong bức tranh thiên nhiên xám màu ở Việt Nam . Nếu chúng ta không kịp chung tay bảo vệ các loài hoang dã ngay từ giờ phút này thì chắc chắn con cháu chúng ta chỉ nhỉn thấy loài rắn xinh đẹp này trên những tấm hình.

Thằn lằn mắt tròn đuôi trắng Cnemaspis caudanivea - Ảnh: Phùng mỹ Trung

Trong những loài thằn lằn sống bám và kiếm ăn trên các tảng đá mẹ hay các hang động đá ở Việt Nam thì giống Cnemaspis được xem như những loài nhỏ nhất nhưng lại có tốc độ chạy quán quân trong các loài thằn lằn. Trong đêm tối mịt mùng chúng có thể lao mình vào kẽ đá gần nhất trong nháy mắt để lẩn trốn kẻ thù hoặc săn mối. Tuy nhiên chính vẻ đẹp mà tạo hoá ban tặng cho dòng họ nhà Cnemaspis kiến chúng trở thành bất lợi. Các đám vảy trên cơ thể của chúng có chất phản quang, khi ánh sáng đèn led chiếu vào khiến chúng trở nên long lanh và rực rỡ nên rất dễ bị kẻ thù lợi dụng yếu tố bất lợi này rình rập tấn công trong đêm tối. Loài Thằn lằn mắt tròn đuôi trắng Cnemaspis caudanivea cũng không phải là ngoại lệ. Hiện nay ở Việt Nam những phát hiện mới đã nâng số lượng các loài thằn lằn đá đặc hữu thuộc giống thằn lằn đá con ngươi tròn - Cnemaspis này ở nước ta thành 6 loài kể từ khám phá đầu tiên về loài Thằn lằn đá con ngươi tròn boulenger đặc hữu - Cnemaspis boulengeri Strauch, 1887 ở Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bởi nhà nghiên cứu động vật A. Strauch vào năm 1887

Chà vá chân nâu Pygathrix nemaeus - Ảnh: Hoàng Minh Đức

Chà vá chân nâu Pygathrix nemaeus - là loài động vật được xem là nữ hoàng sắc đẹp của các loài Linh trưởng phân bố ở Việt Nam. Với thân hình thon nhỏ. Bộ lông nhiều màu. Đỉnh đầu, trán màu đen. Lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực màu hung đỏ từ rực rỡ đến nhạt. Lưng màu xám nhạt hoặc lốm đốm trắng, lông ở vai màu xám đen. Chân, tay dài. Cánh tay từ khủyu đến mu bàn tay trắng xám. Đùi màu đen, ống chân hung đỏ đến nâu đỏ thẫm. Mu bàn chân và ngón màu đen. Đuôi rất dài. Hiện nay loài linh trưởng quí hiếm này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam Nghị định 32/HĐBT và cũng như các loài thú Linh trưởng khác chúng đang được bảo tồn không chỉ ở các Vườn quốc gia của Việt Nam mà còn được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm, bảo vệ. Với việc nghiêm cấm tuyệt đối khai thác, tác động đến một số khu vực còn các loài này sinh sống đã đang đem lại kết quả khả quan. Thay mặt website Sinh vật rừng Việt Nam chúng tôi chân thành cảm ơn tiến sỹ Hoàng Minh Đức đã gửi tặng trang web những tấm hình ghi lại những khoảnh khắc có một không hai về đời sống tự nhiên của loài động vật xinh đẹp, sắc màu này đang tồn tại và phát triển nơi ngôi nhà chung của chúng ta.

Nhông đuôi dài Việt Nam Bronchocela vietnamensis - Ảnh Phùng mỹ Trung

Cho mãi đến năm 2005 loài Nhông đuôi dài Việt Nam Bronchocela vietnamensis mới được các nhà khoa học phát hiện và công bố ở Kbang - Gia Lai và mới đây các nhà nghiên cứu bò sát, lưỡng cư thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã phát hiện vùng phân bố của chúng ở Vườn quốc gia này. Loài nhông có kích thước nhỏ, dài, những ngón chân rất dài và toàn thân phủ các vảy màu xanh lá cây nên rất khó bị phát hiện trong rừng. Màu xanh đồng nhất và hai hàng chấm trắng nhỏ chạy dọc bên hông đã khiến cho chúng có khả năng lẩn trốn kẻ thù và tìm kiếm thức ăn rất tốt. Với vũ khí lợi hại mà tạo hóa đã ban tặng cho loài nhông nhỏ bé này giúp nó có thể tồn tại và thoát hiểm ngay đối với những loài có con mắt tinh tường nhất trong rừng mưa. Việc phát hiện vùng phân bố mới của loài này càng cho thấy tính đa dạng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập rất đáng quan tâm và bảo vệ không chỉ với các nhà nghiên cứu mà còn ngay cả đối với cộng đồng của chúng ta.

   
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này