Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NÉT ĐẸP THIÊN NHIÊN HOANG DÃ VIỆT NAM

   
Nhông đuôi sapa Japalura chapaensis - Ảnh NGUYỄN THIÊN TẠO

Những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, từng đám mây mù vây quanh bao kín những đỉnh núi cao ngất và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát ở Vườn quốc gia Hoàng Liên nơi nóc nhà của Đông nam Á ngự trị. Dòng nước ào ào như dòng thác muốn cuốn phăng tất cả lớp thảm thực vật và nhửng cảnh cây nhỏ cản bước đường đi ra biển của nó. Ở khoảng cách chỉ 4m làn hơi nước sương mù đặc quánh đến nỗi ta rất khó để nhận ra nhau. Lúc này loài Nhông đuôi Sapa Japalura chapaensis thức dậy tìm kiếm thức ăn và bạn tình sau một kỳ ngủ đông dài. Đây là loài được ghi nhận chỉ sống và phân bố ở độ cao từ 2000 - 2600m thuộc dãy núi Fancipan của Vườn quốc gia Hoàng liên. Hiện nay loài bò sát xinh đẹp nhất nơi nóc nhà này. Tuy chưa được đưa vào Sách đỏ Việt Nam nhưng đây là loài nhông rất hiếm gặp trong tự nhiên, ngay cả nơi phân bố của chúng. Do vậy chúng rất dễ bị đe dọa bên bờ vực tuyệt chủng ở nước ta nếu chúng ta không có những biện pháp bảo vệ chúng trước khi quá muộn.

Nhông cát Ngô văn Trí Leiolepis ngovantrii Ảnh: Phùng Nguyễn Trí Lâm

Một trong những loài thích nghi tuyệt vời với kiểu rừng khô ưu thế cây họ dầu trên nền đất cát ven biển, hay kiểu rừng tràm trên vùng đất nhiễm phèn của khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhông cát Ngô văn Trí Leiolepis ngovantrii là loài nhông mới được phát hiện gân đây ở Việt Nam còn có thể sống ở những bãi cát có cây bụi lúp xúp hay trong sinh cảnh rừng khộp cây họ dầu. Trong thiên nhiên, Leiolepis ngovantrii là một quần thể chỉ toàn con cái nên loài nhông này còn gọi là loài nhông cát vô tính.Đây là loài thằn lằn có khả năng trinh sản, có nghĩa là chỉ có một cá thể mẹ (không cần con đực, bố) là có thể sinh sản được. Các con cái tự rụng trứng và tự phát triển thành dòng vô tính để cho ra đời những con thằn lằn con. Loài này có lẽ là kết quả lai giống giữa 2 loài nhông cát cận chủng. Đây là một hiện tượng có thể xảy ra trong vùng chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái. Điển hình là nơi sinh sống của loài nhông cát mới này là khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, nằm giữa vùng đồng đất cây bụi và các cồn cát ven biển. Căn cứ vào đó Grismer cho rằng hai loài thích ứng từ hai hệ sinh thái "sẽ chung đụng và sinh sản để tạo ra một dạng lai ghép. Suy từ thử nghiệm gen tiến hành với ADN ti thể của loài nhông cát mới này, khoa học đã xác nhận Leiolepis guttata là dòng mẹ tuy nhiên vì ADN này chỉ truyền theo mẫu huyết nên dòng cha của loài này vẫn chưa được xác minh

Cá Còm Chitala ornata - Ảnh: Phùng mỹ Trung

Một trong những loài cá nước ngọt được đưa vào sách đỏ Việt Nam, loài cá Còm Chitala ornata  có thân cỡ lớn, thân cá dài, rất dẹt bên, càng về phía bụng càng mỏng. Lưng gù với viền lưng nhô lên rất cao từ sau mắt đến vây lưng. Đầu nhỏ, nhọn, dẹt bên. Mắt nhỏ. Miệng trước rộng, rạch miệng kéo dài qua khỏi ổ mắt. Xương hàm trên phát triển. Răng nhiều và nhọn mọc trên hai xương hàm, xương khẩu cái, xương lá mía, xương lười. Toàn thân phủ vảy tròn nhỏ bằng nhau. Đường bên liên tục. Vây lưng nhỏ, nằm hơi lệch về phần sau cơ thể. Vây hậu môn dài liền với vây đuôi nhỏ. Mặt lưng đầu và thân cá có màu xanh rêu, hai bên hông và bụng màu trắng. Có từ 5 đến 10 đốm đen tròn viền trắng xếp thành một hàng ở phần sau của thân gần gốc vây hậu môn. Số lượng đốm thay đổi tùy cá thể và ngay trên một cá thể số lượng đốm ở hai phía thân cũng có thể khác nhau. Lúc còn nhỏ cá không có đốm mà thay thế bằng 10 - 15 vạch đứng đậm. Loài cá hiếm gặp này hiện nay đã được nhân giống và nuôi ở khá nhiều vùng ở miền Nam và Tây nguyên nước ta. Tuy nhiên ngoài tự nhiên thì rất khó có cơ hội để gặp chúng do hệ quả của việc đánh bắt tận diệt không chỉ bằng lưới mắt nhỏ mà còn cả kích điện. Việc bảo vệ loài cá này rất cần được quan tâm của mọi người nhắm bảo tồn nguồn gen tự nhiên trong hệ sinh thái nước ngọt của chúng ta.

Cóc mày mắt trắng Leptobrachium leucops - Ảnh: TRẦN KỲ TÚ

Loài cóc mày mắt trắng Leptobrachium leucops  được phát hiện ở khu rừng thường xanh, ở độ cao khoảng 1558 - 1900 m, trên cao nguyên Langbian, thuộc ranh giới giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Tuy nhiên, mới đây nhóm các nhà nghiên cứu SVR Việt Nam đã tìm thấy chúng cùng sống chung với loài cóc mày mắt đỏ Leptobrachium pullum ở độ cao 2130m nằm gần đỉnh Bidoup – Núi Bà. Đây cũng là một ghi nhận mới về nơi sống ở độ cao của 2 loài này ở Việt Nam. Việc phát hiện ra vùng phân bố mới của nhiều loài trong những năm gần đây cho thấy đó cũng là công việc nặng nhọc không kém so với việc phát hiện ra loài mới ở Việt Nam. Mong rằng với nguồn kinh phí ít ỏi của các thành viên SVR Việt Nam sẽ đem lại những nét chấm phá mới cho nền khoa học non trẻ của chúng ta.

Ếch bám đá Amolops compotrix - Ảnh: Đậu quang Vinh

Loài ếch bám đá Amolops compotrix được mô tả lần đầu tiên vào năm 2006 dựa trên mẫu thu được ở Lào và Kon Tum Việt Nam. Loài này với đặc trưng bỡi con cái có chiều dài thân SVL 55.6–56.9; màng nhĩ rõ, ở con đực bằng với con cái; con đực có túi kêu; ngón tay I ngắn hơn ngón thứ 2, không có màng bơi giữa ngón thứ II và ngón III; con đực có đĩa ngón tay thứ II bằng khoảng ½ đường kính màng nhĩ; có một củ bàn trong; nếp gấp bên thân yếu bắt đầu từ sau góc mắt đến hậu môn, mặt lưng da mịn; con đực không có nếp gấp bên cánh tay; vào ban ngày mặt lưng con đực có màu xanh, con cái có màu xanh đến vàng xanh, có đốm nâu ở bụng và màu sắc khá khác với ban đêm con đực và con cái có màu nâu với nhiều vết màu xanh trên lưng. Mặc dù vùng phân bố của loài này hiện biết phân bố ở Lào, Kon Tum Việt Nam nhưng mới đây nhà nghiên cứu Đậu Quang Vinh đã ghi nhận mới vùng phân bố của chúng ở Pù Hoạt, Quế Phong Nghệ An. Thay mặt thành viên quản trị trang web gửi lời chân thành cám ơn đến tác giả Đậu Quang Vinh vì những bức ảnh tuyệt đẹp của loài ếch bám đá này cho chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng và cảm nhận.

   
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này