Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Tôm hùm đá
Tên Latin: Panulirus homarus
Họ: Tôm hùm Palinuridae
Bộ: Mười chân Decapoda 
Lớp (nhóm): Thân mềm  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    TÔM HÙM ĐÁ

TÔM HÙM ĐÁ

Panulirus homarus (Linnaeus, 1758)

Cancer homarus Linnaeus, 1758

Astacus homarus Fabricius, 1775

Palinurus homarus p.p. Fabricius, 1798.

Họ: Tôm hùm gai Palinuridae

Bộ: Mười chân Decapoda

Đặc điểm nhận dạng:

Tôm cỡ lớn, cơ thể (không kể râu) dài tới 30 cm (1.4 - 1.5kg/con), trung bình 20 - 25cm (0.7 - 0.8kg/con), con cái tham gia đẻ trứng lần đầu có kích thước 17cm; vỏ nhám màu xanh lá cây hơi xám hay nâu đỏ, các gai trên vỏ đầu ngực màu nâu đỏ hoặc màu trắng, trên vỏ lưng các đốt bụng có những chấm nhỏ li ti màu vàng hay trắng và tạo thành đường viền ở gờ sau mỗi đốt bụng. Chân hàm III không có nhánh ngoài; phiến gốc râu I có 4 gai lớn bằng nhau xếp thành hình vuông; vỏ lưng các đốt bụng II - IV có 1 rãnh ngang liên tục hay không liên tục và gờ trước của rãnh chia thành nhiều thùy nhỏ.

Sinh học, sinh thái:

Tôm hùm đá sống phổ biến ở đáy cát pha bùn, ẩn trong các hốc đá vùng nước ven bờ, độ sâu từ 1 – 5m, có sóng đập. Loài này thường sống thành bầy khoảng 3 - 4 con và hoạt động mạnh về ban đêm. Mùa sinh sản khoảng tháng 4 đến tháng 6, đỉnh cao là tháng 5. Hàng năm từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau, tôm con (chiều dài vỏ đầu ngực 8 - 20mm) thường tập trung ở các ghềnh đá ven bờ, ven các đảo.

Phân bố:

Trong nước: Phân bố khắp ven bờ biển Việt Nam từ Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, tập trung nhất ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Thế giới: Vùng Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương từ vùng biển Nhật Bản, Inđônêxia, Ôxtrâylia, Đông Phi.

Giá trị:

Có giá trị khoa học, có thể nhân giống nuôi thương phẩm.

Tình trạng:

Trước năm 1975, tôm cỡ 0.7 - 0.8 kg/con rất phổ biến ở các vùng biển ven bờ và quanh các đảo. Sau năm 1975, đặc biệt từ năm 1990 tới nay, do nhu cầu xuất khẩu mạnh, lượng khai thác hàng năm tăng cao, làm số lượng giảm rõ rệt, có thể tới 50%. Ngoài ra, do nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, làm ô nhiễm các vùng nước ven bờ, bên cạnh đó, việc dùng chất nổ để đánh bắt đã xâm hại và phá hủy, thu hẹp nơi cư trú, có thể tới 20%. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tôm hùm con còn bị khai thác triệt để phục vụ cho nghề nuôi tôm hùm lồng hiện đang rất phát triển ở các tỉnh miền Trung.

Phân hạng: EN A1c,d B2b+3d.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam từ năm 1992. Kiến nghị: giảm cường độ khai thác, cần nghiên cứu để tìm hiểu ảnh hưởng của sự đánh bắt tôm hùm con để nuôi lồng lên nguồn lợi tôm hùm ngoài tự nhiên, không khai thác vào mùa sinh sản, nghiêm cấm đánh bắt bằng mìn và khai thác san hô.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang - 55

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Tôm hùm đá

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này