Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá cóc quảng tây
Tên Latin: Paramesotriton guangxiensis
Họ: Cá cóc Salamandridae
Bộ: Có đuôi Caudata 
Lớp (nhóm): Lưỡng cư  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    New Page 1

CÁ CÓC QUẢNG TÂY

Paramesotriton guangxiensis (Huang, Tang & Tang, 1983)

Trituroides guanxiensis Huang, Tang & Tang, 1983

Họ: Cá cóc Salamandridae

Bộ: Có đuôi Caudata

Đặc điểm nhận dạng:

Cá cóc quảng tây: Kích thước trung bình trong nhóm Cá cóc Paramesotriton sp. nhỏ hơn Cá cóc tam đảo Paramesotriton deloustali. Chiều dài toàn thân từ 12,5 - 14,0cm ở cá thể đực và khoảng 13,4cm ở cá thể cái. Thân mập mạp và khá phẳng. Mõm bằng. Nếp gấp ở môi khá phát triển. Đầu phẳng, hình tam giác, chiều dài lớn hơn chiều rộng. Khi gập chi trước và chi sau vào nhau, các ngón chân vừa chạm sát nhau. Da có các nếp nhăn nhỏ. Sống lưng nhô cao, kéo dài đến đuôi. Chiều dài đuôi ngắn hơn chiều dài thân, mút đuôi mỏng. Lỗ huyệt nổi rõ, đặc biệt dễ dàng quan sát ở các cá thể đực trong mùa sinh. Mặt trên màu nâu sẫm, mặt dưới có màu đen với các đốm màu vàng hoặc cam không đều khác với Cá cóc tam đảo Paramesotriton deloustali. Đường vây dưới đuôi màu vàng và nhạt dần về phía mút đuôi. Cá thể cái có màu nhạt hơn.

Sinh học, sinh thái:

Cá cóc quảng tây là loài chủ yếu hoạt động về đêm. Săn mồi, con mồi chủ yếu là các loài côn trùng nhỏ và giun đất. Trong điều kiện nuôi nhốt, loài này hoạt động mạnh từ tháng 2 đến tháng 9, ban ngày ít hoạt động, thường ẩn mình dưới khe đá trong nước. Chúng cũng ít hoạt động vào thời gian mùa đông. Đặc biệt, loài Cá cóc quảng tây còn được ghi nhận có tập tính tự vệ bằng cách cuộn tròn thân và đuôi, chân gập sát thân khi bị đe dọa. Trong điều kiện nuôi nhốt, mùa sinh sản của loài Cá cóc quảng tây vào từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Trứng đẻ trên cạn, trong các hốc đá ven mặt nước. Nòng nọc màu đen với mang màu vàng. Vây dưới đuôi màu trắng. Mút mõm và mống mắt có màu trắng vàng. Mặt dưới cơ thể nòng nọc có màu đen với các mảng trắng không đều. Loài Cá cóc quảng tây thường sinh sống ở các suối có độ dốc thấp dưới các tán rừng rậm hoặc cây bụi. Chúng ẩn mình dưới các tảng đá dưới lòng suối hoặc trong những bụi cỏ ven suối. Sau các cơn mưa lớn, có thể phát hiện chúng ở trên cạn cách suối từ 0.5 - 1m.

Phân bố:

Cá cóc quảng tây được ghi nhận đầu tiên ở tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc ở độ cao khoảng 470m so với mặt nước biển. Ở Việt Nam, loài này được ghi nhận tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

 

Mô tả loài: Phùng Mỹ Trung, Nguyễn Quảng Trường, Phạm Thế Cường  -  WebAdmin

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá cóc quảng tây

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này