Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Giáng hương trái to
Tên Latin: Pterocarpus macrocarpus
Họ: Đậu Fabaceae
Bộ: Đậu Fabales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    GIÁNG HƯƠNG TRÁI TO

GIÁNG HƯƠNG TRÁI TO

Pterocarpus macrocarpus Kurz

Lingoum macrocarpum (Kurz) O.Ktze.

Lingoum cambodianum Pierre

Lingoum glaucinum Pierre

Lingoum parvifolium Pierre

Pterocarpus cambodianus Pierre

Họ: Đậu Fabaceae

Bộ: Đậu Fabales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ to có tán lá hình ô, rụng lá, cao 25 - 35m, đường kính thân 0,7 - 0,9m hay hơn nữa. Gốc có bạnh vè, thân thẳng, vỏ màu xám, bong những vảy lớn không đều hay hơi nứt dọc, có nhựa mủ đặc màu đỏ tươi chảy ra khi bị chém. Cành non mảnh, có lông, cành già nhẵn, lá kép lông chim lẻ một lần, dài 15 - 25cm; mang 9 - 11 lá chét hình bầu dục thuôn hay hình trứng - thuôn, dài 4 - 11cm, rộng 2 - 5cm, gốc tròn hoặc tù, đầu có mũi nhọn cứng, hơi có lông. Cụm hoa hình chùy ở nách lá, phủ lông màu nâu, dài 5 - 9cm. Hoa màu vàng nghệ, có cuống dài và nhiều lông, mùi rất thơm. Quả tròn, đường kính 5 - 8cm, dẹt, có mũi cong về phía cuống, màu vàng nâu, giữa có 1 hạt, xung quanh có cánh rộng và có lông mịn như nhung.

Sinh học, sinh thái:

Mặc dù lượng quả sinh ra hàng năm lớn, nhưng loài tái sinh kém, có thể do lửa rừng- khả năng tái sinh bằng chồi rất mạnh. Cây tăng trưởng về chiều cao mạnh nhất lúc 16 - 20 năm tuổi, sau đó giảm dần, tăng trưỏng về đường kính cũng mạnh từ độ tuổi 20. Mọc ở độ cao dưới 700 - 800m, chủ yếu trong rừng rậm nhiệt đới nửa rụng lá, ít khi thường xanh mưa mùa hay ở ranh giới với rừng rụng lá cây họ Dầu (Diperocapaceae). Thường mọc hỗn giao với một số loài cây lá rộng khác như gõ đỏ (Afzelia xylocalpa), Muồng đen (Cassia siamensis) Bằng lăng (Lagerstromia sp.), Bình linh (Vitex sp.), Dầu trai (Dipterocarpus itricatus), Cà doong (Shorea roxburghii), Chiêu liêu (Terminalia sp.).. Cây ưa đất thoát nước, có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, phong hóa từ các đá trầm tích và macma axit, có khi cả trên đất đỏ bazan.

Phân bố:

Trong nước: Nghệ An, Quảng Bình, Kontum (Sa Thầy), Gia Lai (Chư Prông, Mang Yang, An Khê), Đắk Nông (Đắk Mil), Phú Yên (Sơn Hoà), Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai.

Thế giới: Lào, Campuchia.

Giá trị:

Gỗ rất tốt, bền, có mùi thơm, có màu sắc và vân hoa đẹp, không bị nứt nẻ, mối mọt, được sử dụng đóng các đồ dùng cao cấp trong gia đình, làm đồ mỹ nghệ, đồ khắc tiện. Nhựa có thể dùng làm thuốc nhuộm màu.

Tình trạng:

Gỗ quý và đẹp nên bị khai thác rất mạnh. Mặc dù khu phân bố tương đối rộng nhưng lại bị chia cắt, đồng thời nạn chặt phá rừng làm cho nơi cư trú bị xâm hại mạnh. Đối tượng này hiện trở thành rất khan hiếm, khó tìm được những cá thể trưởng thành có kích thước lớn như trước đây.

Phân hạng: EN A1a,c,d.

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "biết không chính xác" (K) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Đã được bảo vệ trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Song vì giá trị của gỗ vẫn bị săn lùng khai thác trộm. Cần thu thập giống đưa vào trồng.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 196.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Giáng hương trái to

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này