Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Củ dòm
Tên Latin: Stephania dielsiana
Họ: Tiết dê Menispermaceae
Bộ: Mao lương Ranunculales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Nghiêm Đức Trọng  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
   

CỦ DÒM

Stephania dielsiana C.Y. Wu, 1940

Họ: Tiết dê Menispermaceae

Bộ: Mao lương Ranunculales

Đặc điểm nhận dạng:

Dây leo nhỏ, sống nhiều năm. Rễ củ to; thân leo cuốn, dài khoảng 3m; thân non màu tím hồng nhạt. Toàn cây không lông. Lá đơn nguyên, mọc so le, có cuống dài 4,5 - 8,5 cm. Phiến lá hình tam giác tròn, 9 - 13 x 8 - 13,5 cm; mép lá hơi lượn sóng hoặc có răng tù rất thưa ở phía ngọn; chóp lá nhọn, gốc bằng hoặc hơi lõm, gân chính xếp dạng chân vịt, xuất phát từ chỗ đính của cuống lá. Ngọn non, cuống lá và cuống cụm hoa có dịch màu tím hồng. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực do 3 - 5 xim nhỏ họp thành xim tán kép. Hoa nhỏ, có cuống ngắn, 6 lá đài màu tím xếp 2 vòng, 3 cánh hoa hình quạt tròn, màu vàng cam; cột nhị ngắn, bao phấn dính thành đĩa 6 ô. Cụm hoa cái gồm 7 - 8 đầu nhỏ, cuống rất ngắn, xếp thành dạng đầu. Hoa nhỏ, 1 lá đài màu tím hồng, 2 cánh hoa hình quạt tròn màu vàng cam và có các vân tím. Bầu hình trứng, đầu nhuỵ có 4 - 5 thuỳ dạng dùi. Quả hình trứng đảo, hơi dẹt 0,8 - 0,9 x 0,7 - 0,75 cm. Hạt hình trứng ngược cụt đầu, có lỗ thủng ở giữa, trên lưng hạt có 4 hàng gai nhọn, cong.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa tháng 4 - 5, quả tháng 6 - 7. Mọc chồi thân hoặc từ cổ rễ vào đầu mùa xuân. Sau khi bị chặt phá, phần còn lại vẫn có khả năng tái sinh. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu bóng. Thường mọc ở rừng kín thường xanh ẩm đã trở nên thứ sinh; đôi khi cũng gặp ở rừng núi đá vôi (Tuyên Quang), ở độ cao 300 - 600 m.

Phân bố:

Trong nước: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang, Chiêm Hoá), Bắc Kạn, Thái Nguyên (Đại Từ, Tam Đảo), Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tây (Ba Vì), Quảng Nam (Trà My: Trà Mai, Trà Giác).

Nước ngoài: Trung Quốc.

Giá trị:

Loài tương đối hiếm ở Việt Nam. Rễ củ dùng làm thuốc kiên vị, chỉ thống; trị phù thũng, giải độc, đau xương khớp. Rễ củ có hoạt chất có tác dụng an thần, giảm đau.

Tình trạng:

Các điểm phân bố rải rác, số lượng cá thể không nhiều. Đã bị khai thác cùng với các loài bình vôi khác cùng chi. Đặc biệt là ở vùng Nà Hang, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), Củ Dòm được đồng bào người dân tộc Tày và Dao coi là cây thuốc quý, thường được tìm kiếm, khai thác. Nạn phá rừng cũng trực tiếp làm thu hẹp phân bố.

Phân hạng: VU B1+2 b,c

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (Bậc V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích th­ương mại. Bảo vệ những cá thể còn sót lại ở Vườn quốc gia Tam Đảo và Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Na Hang - Tuyên Quang). Thu thập về trồng nghiên cứu bảo tồn ngoại vi (Ex situ). Trồng được bằng hạt hoặc bằng cây con mọc tự nhiên.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 286.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Củ dòm

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này