Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

PAPHIOPEDILUM PFITZER, ĐẸP NHƯ ĐÔI HÀI CỦA NÀNG TẤM NGÀY XƯA

 

Phùng mỹ Trung - Admin website

 

Vui lòng KHÔNG đăng tải bài này khi chưa được tác giả đồng ý

 

Thiên nhiên đã hào phóng tặng cho họ Phong lan một vẻ đẹp lạ thường, và tính đa dạng của hoa đã làm sửng sốt con người từ những thời xa xưa cho đến ngày nay. Thật vậy họ Phong lan Orchidaceae được ví như nữ hoàng của sắc đẹp vì sự đài các của những chùm hoa tuyệt đẹp, màu sắc sặc sỡ và ngào ngạt hương thơm, sự lả lơi của thân cành như mời gọi. Phong lan luôn là nguôn đam mê của mọi giai tầng trong xã hội vì những nhu cầu thưởng ngoạn cái đẹp thanh khiết của tự nhiên.

Trong hơn 1000 loài hoa Lan đã được các nhà thực vật học phát hiện ở Việt Nam cho thấy sự đa dạng về hoa lan của nước ta đáng để mọi người quan tâm và bảo vệ. Trong hàng trăm giống lan thì giống lan Hài Paphiopedium được tìm thấy vào cuối thế kỷ thứ 18 và có khoảng 80 loài lan hài phân bố ở châu Á. Việt Nam có khoảng 20 loài với nhiều loài đặc hữu, (chỉ mọc tại Việt Nam) với vùng phân bố rất hẹp ở những nơi có độ cao từ 1000m trở lên ở các đỉnh núi đá vôi. Toàn bộ chi lan Hài Paphiopedium ở Việt Nam đều được đưa vào sách đỏ và Công ước quốc tế (CITES) để bảo vệ loài lan xinh đẹp, quyến rũ này trong thiên nhiên hoang dã.

Với chiếc cánh môi giống như một chiếc Hài của cô Tấm ngày xửa ngày xưa, lan Hài mang đến cho thiên nhiên Việt Nam một vẻ đẹp mê hồn. Hầu hết các loài lan Hài ở Việt Nam thường mọc ở dưới đất, trên các lớp thảm mục thực vật mục nát, một số bám vào cây rừng và một số mọc ở những kẽ núi đá. Loài lan này không có thân củ để dự trữ nước và thức ăn cho nên chúng cần độ ẩm cao. Để nảy mầm và phát triển, hạt giống của loài lan Hài phải cộng sinh với một loài nấm để nảy mầm do vậy môi trường tự nhiên đối với chúng rất quan trọng vì chỉ cần những tác động nhỏ của con người chắc chắn sẽ là thảm hoạ cho sự phát triển của chúng. Để hiểu biết thêm về các loài lan Hài ở Việt Nam website Sinh Vật rừng xin gửi đến các độc giả những loài lan Hài ở Việt Nam

 

Lan hài đài cuộn Paphiopedilum appletonianum

Mọc rất rải rác dưới tán rừng mưa nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng 1500 m. Cây chịu hạn khá tốt. Loài này có sự phân bố rất hạn chế và số lượng cá thể rất ít ở Lâm Đồng (Đà Lạt). Có thể bị đe dọa bị tuyệt chủng do môi trường sống là rừng bị thu hẹp lại. Hoa lan hài đài cuộn cỡ lớn với màu nâu pha xanh nhạt. Cánh đài lưng bầu dục uốn cong ra phía sau, cuộn lại, màu xanh đậm, với các đốm hồng đỏ ở gốc, mép màu lục nhạt, màu trắng ở đỉnh. Cánh môi có màu tía ửng vàng và lục, mép màu vàng.

 

 

 
Lan hài đài cuộn Paphiopedilum appletonianum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài kim Paphiopedilum armeniacum

Loài lan Hài có màu sắc vàng rực này có lá đài sau hình trứng cho đến bầu dục, dài 2,2 - 2,8cm rộng 14 - 2,2cm, hơi nhọn, mép uốn vào ở phần trên. Lá đài bên dính nhau, nhỏ hơn lá đài sau với 2 sóng ở lưng và chỉ 1 răng tròn ở đỉnh, mặt trong nhẵn. Loài này được cho là hoàn toàn tuyệt chủng ở Việt Nam vì ở vùng núi đá vôi biên giới Việt Nam đã bị người dân đã khai thác quá mức để bán sáng Trung Quốc. Có một số nhà khoa học cho rằng loài này không phân bố ở Việt Nam nhưng trên thực tế có rất nhiều tài liệu đã chứng minh đây là loài lan của Việt Nam.

 

 

 
Lan hài kim Paphiopedilum armeniacum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài lục Paphiopedilum barbigerum

Cứ vào khoảng tháng 9 -10 hàng năm, loài lan hài tuyệt đẹp này lại nở hoa trên một số dãy núi đá vôi còn được bảo vệ thuộc Sơn La và Lai Châu và cho mãi đấn năm 2006 nhà thực vật học người Nga Leonid Averyanov và các cộng sự đã khẳng định chắc chắn rằng đã tìm thấy Paphiopedilum barbigerum ở Tây Bắc sông Đà thuộc địa phận tỉnh Lai Châu.

 

 

 
Lan hài lục Paphiopedilum barbigerum
 

 

Lan hài vân Paphiopedilum callosum

Được công nhận là loài có vùng phân bố rất rộng Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, Thừa Thiên và ngay cả vùng có độ cao thấp là Phú Quốc. Lan hài Lục thường nở hoa vào mùa xuân và đầu hạ với cụm hoa cao, có lông, màu nâu đỏ. Cánh đài lưng gần tròn hơi gấp lại, mép răn reo, màu trắng pha hồng gốc màu xanh có gân đỏ ở đỉnh và cánh môi màu nâu đỏ, gốc màu xanh nhạt, hai bên thùy cuộn lại vào trong có nhiều đốm đỏ đậm đã làm ngây ngất những người yêu lan ở Việt Nam.

 

 

 
Lan hài vân Paphiopedilum callosum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài cảnh Paphiopedilum canhi

Có lẽ rất ít các quốc gia trên thế giới có nhiều loài lan hài được phát hiện và công bố như ở Việt Nam , Việt Nam chính là xứ sở của lan hài với rất nhiều loài. Hiện nay theo thống kê của các nhà nghiên cứu về hoa lan ở Việt nam, đã có hơn 20 loài lan hài được công bố. Hầu hết các loài lan hài sống ở những vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở, thảm thực vật còn hầu như nguyên vẹn chưa bị tác động bởi bàn tay con người và chúng chỉ nảy mầm khi cộng sinh với một loài nấm. Đã có rất nhiều những nhà nghiên cứu hoa lan ước mong có cơ hội tìm thấy một loài lan hải mới ở Việt Nam, Nhiều thập kỷ đã trôi qua, kể từ khi loài lan hài Hằng được phát hiện ở Việt Nam năm 1983, Ước mong đó tưởng chừng như vô vọng, nhưng mới đây, tháng 5 năm 2010 các nhà khoa học Việt, Nga đã phát hiện và công bố một loài lan hài mới được mang tên nhà sưu tầm hoa lan Chu Xuân Cảnh – Paphiopedilum canhii

Có thể nói đây là một khám phá rất lớn của các nhà khoa học, đã không chỉ gây ngỡ ngàng cho các nhà nghiên cứu hoa lan trên thế giới mà còn là niềm hân hoan của hàng ngàn nhà trồng hoa lan trên khắp hoàn vũ. Loài lan hài Cảnh Paphiopedilum canhii một lần nữa đã minh chứng Việt Nam là một đất nước không chỉ đa dạng sinh học nhất nhì trong khu vực mà còn có rất nhiều những loài chưa được nghiên cứu, công bố. Tất nhiên, sự phát hiện và công bố cũng đồng nghĩa với những thảm họa lại bắt đầu đối với loài lan tuyệt đẹp này.

 

 

 
Lan hài cảnh Paphiopedilum canhii - Ảnh: Chu Xuân Cảnh
 

 

Lan hài đốm Paphiopedilum concolor

Rất có thể đây là một trong những loài lan Hài được tìm thấy sớm nhất ở Việt Nam và với cái tên “vạn điểm hài” cũng đã nói lên tất cả vẻ đẹp của loài hoa màu vàng nhạt, cùng hàng ngàn những đốm màu đỏ không đồng nhất trên cả mặt trước của bông hoa. Loài lan Hài này thường mọc ở các đãy núi cao có sương mù bao phủ như Bắc Cạn, Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng. Mặc dù có kích thước hoa khá khiêm tốn, nhưng chúng thường nở thành từng chùm tứ 1-3 chiếc rất đẹp, hương thơm của chúng thật nhẹ nhàng thanh khiến ngây ngất lòng khách lãng du.

 

 

 
Lan hài đốm Paphiopedilum concolor - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài hồng Paphiopedilum delenatii

Có lẽ rất ít người dân xứ hoa đào (Đà Lạt) không biết đến loài lan Hài nổi tiếng với những câu chuyện tình lãng mạn nhất về loài hoa Lan ở Việt Nam. Đây là loài hoa lan đặc hữu rất hẹp và chỉ mọc trên các dãy núi cao quanh năm sương mù ở cao nguyên miền trung như Lâm Đồng, Khánh Hòa và phải mãi đến đến năm 1922 nhà thám hiểm Poilane mới chính thức tìm lại được ở Khánh Hòa và mang về Pháp để mô tả và công bố vào năm 1924. Lan hài hồng được đặt tên cho một binh sĩ người Pháp tìm thấy cây lan này vào năm 1913. Với cánh hoa gần tròn, mặt trong màu hồng nhạt, mặt ngoài có nhiều chấm màu hung đỏ, có lông thưa ngắn ở cả hai mặt. Cánh môi màu đỏ tươi, hình trứng cầu, miệng hình bầu dục, mép cuốn vào trong, có lông ngắn ở gốc nhìn như chiếc hài xinh đẹp của nàng Tấm được bà tiên ban tặng để tìm một nửa kia của mình.

 

 

 
Lan hài hồng Paphiopedilum delenatii - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài râu Paphiopedilum dianthum

Thật khó có thể nhầm lẫn được loài lan Hài râu với các loài lan khác ở Việt Nam bởi cánh đài bên dính thành lòng thuyền. Hai cánh tràng, dài, xoắn lại, rũ xuống, màu nâu lục, dài 10 - 12cm. Cánh môi dạng túi dài 5cm, màu lục nâu vàng, mép cuộn vào trong. Vùng phân bố của Paphiopedilum dianthum ở Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn L và còn mọc ở Trung Quốc, Mianma, Thái Lan

 

 

 
Lan hài râu Paphiopedilum dianthum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

Lan hài hương duyên Paphiopedilum emersonii

Nếu như lần đầu tiên có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Paphiopedilum emersoniibạn rất dễ lầm tưởng với lan hài hằng Paphiopedilum hangianum vì hoa của chúng khá giống nhau sự khác biệt giữa cánh môi màu vàng và phần còn lại của hoa là một màu trắng tinh. Hoa mọc đứng, cao 15 - 20cm, thường mang 1-2 hoa. Sau rất nhiều những nghi ngờ về sự tuyệt chủng của chúng thì loài này cuối cùng cũng đã được tìm thấy năm 2000 ở vùng núi đá vôi cao ngất thuộc tỉnh Tuyên Quang. Từ lâu, cây lan này được ghi nhận là một loài đặc hữu của Trung Quốc. Nhưng mài đấn năm 2001 nhà thực vật học người Nga Averyanov vá các cộng sự đã phát hiện ra nơi mọc ở những phần nhỏ của khu vực núi đá vôi thuộc tỉnh Bắc Cạn và phía bắc tỉnh Thái Nguyên

 

 

 
Lan hài hương duyên Paphiopedilum emersonii
 

 

Lan hài đốm Paphiopedilum gratrixianum

Trên các đỉnh núi cao ngất thuộc dãy Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là xứ sở của loài lan Hài đốm. Với cánh đài lưng hình trái xoan, hẹp ở gốc, mép răn reo, màu lục ở gốc, mép trắng, có đốm đỏ lớn ở giữa, cánh tràng trải rộng nhìn như chiếc đuôi công rực rỡ sắc màu, mép răn reo màu lục nâu nhạt. Cánh môi dạng túi, màu lục nâu đậm, 2 thùy bên đứng. Vẽ đẹp lộng lẫy của loài hoa này được các nhà sưu tập lan ở Việt Nam gọi với cái tên chìu mến Hài đuôi công.

 

 

 
Lan hài đốm Paphiopedilum gratrixianum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

Lan hài hằng Paphiopedilum hangianum

Loài lan mọc ở các vách núi đá vôi dựng đứng trên cao độ 600-650m thuộc tỉnh Bắc Cạn và vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. Đây là loài đặc hữu Việt Nam, mới phát hiện năm 1998 và được hai nhà thực vật học Olaf Gruss và Holger Perner đã tìm thấy. Paphiopedilum hangianum. Loài hoa lan đấy hương sắc này được đặt tên một người phụ nữ xinh đẹp bà Tống ngọc Hằng. Không chỉ hoa rất màu vàng lục với đáy cánh có gân tía đỏ mà hoa rất thơm mùi hương quế. Đây chính là loài lan Hài luôn làm ngây ngât rất nhiều những nhà sưu tâp hoa lan không chỉ ở Việt Nam

 

 

 
Lan hài hằng Paphiopedilum hangianum- Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài helen Paphiopedilum helenae

Đây có thể là loài lan Hài có kích thước hoa nhỏ nhất được tìm thấy ở Việt Nam và câu chuyện tình yêu của nhà thực vật học Averyanov đã nói lên tất cả về loài hoa lan đặc hữu này: “Một buổi chiều, sau khi tôi và các bạn đồng nghiệp đã mất cả ngày trèo lên nhiều ngọn núi dốc, mọi người đang tính trở về. Nhưng khi thấy ngọn đồi trước mặt rất hấp dẫn, cây cối thật là lý tưởng cho tôi có cảm giác có lan mọc ở đó. Mọi người đã quá mệt mỏi không muốn đi nữa nên tôi đã leo lên một mình. Khi leo gần tới đỉnh đồi, tôi thấy ở gần mép đá có một đám hoa vàng rực rỡ. Thực là đặc biệt vì bông hoa quá lớn so với cây lan. Tội vội chụp vài tấm ảnh, đào một vài nhánh rồi vội vã xuống đồi. Vì vợ tôi Helene Averynova cũng có bộ tóc vàng và dáng người nhỏ nhắn như cây lan, cho nên tôi lấy tên nàng để đặt tên cho cây lan này”.

 

 

 
Lan hài helen Paphiopedilum helenae - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài henry Paphiopedilum henryanum

Sau rất nhiều những nghi ngờ về vùng phân bố của loài lan Hài này ở Việt Nam vì những tấm ảnh hấu hết là chụp ở các vườn hoa lan trổng trên thế giới và gần như chưa một nhà khoa học nào nhìn thấy chúng nở hoa trong thiên nhiên Việt Nam thì vào mùa xuân năm 2001 Leonid Averyanov và D. Harder đã tìm thấy cây lan này tại khu bảo tồn Phong Quang tỉnh Hà giang. Với chiếc cánh đài màu xanh lá và những đốm màu tím đậm ở mặt trong của hoa là một trong những tác phẩm đẹp nhất của thiên nhiên ban tặng cho con người chúng ta.

 

 

 
Lan hài henry Paphiopedilum henryanum- Ảnh: Chu Xuân Cảnh
 

 

Lan hài lông Paphiopedilum hirsutissimum

Khắp trên bông hoa rực rỡ là những chùm lông mịn màng bao phủ loài lan Hài Paphiopedilum hirsutissimum đem đến cho chúng ta những cảm nhận ngọt ngào, êm ái như được chạm vào tấm thảm nhung mìn màng. Loài lan này mọc thành bụi nhỏ trên các hốc đá. Thân rất ngắn gần như chìm dưới đất. Lá đài dưới màu vàng lục, có các chấm màu hung đỏ, mép có lông. Cánh hoa hình thìa, phần gốc màu lục xám, phần đỉnh có màu tím đỏ, mép có lông. Cánh môi hình mũ, đầu tù, màu vàng lục đến xanh nhạt, có nhiều chấm màu tím đỏ, mép, có tai hình tam giác tù. Cao bằng nơi những dãy đá vôi trải dài và cao ngất chính là quê hương của loài hoa diệu kỳ này.

 

 

 
Lan hài lông Paphiopedilum hirsutissimum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài mã lị Paphiopedilum malipoense

Loài lan hài độc đáo này thường nở hoa vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm và loài này được Chen và Tsi mô tả đầu tiên vào năm 1984 dựa trên mẫu vật khô của bảo tàng. Chen và Tsi cho rằng chúng được sưu tập ở Nam Vân Nam – Trung Quốc. Mẫu vật mà K. M. Feng sưu tập ngày 11 tháng 11 năm 1947 hiện lưu giữ ở Bắc Kinh là lấy ở núi Malipo của Trung Quốc. Nhưng theo Averyanov thì các cây lan mà người Trung Quốc bán ở Hồng Kông từ những năm 1988 1989 là lấy từ Việt Nam chứ không phải từ Trung Quốc. Averyanov đã khám phá chúng ở cách thành phố Malipo của Trung Quốc 22km về phía đông, gần làng Can Ty thuộc tỉnh Hà Giang, và ở phía Đông nam vùng Mai Châu của tỉnh Hòa Bình

 

 

 
Lan hài Mã lị Paphiopedilum malipoense - Ảnh: Chu Xuân Cảnh
 

 

Lan hài lá cứng Paphiopedilum micranthum

Được xem là một trong bông hoa ấn tượng nhất trong giống lan Hài ở Việt Nam. Lan hài lá cứng có hoa mọc đứng thẳng, cao, đầy lông trắng, thường mang 1 hoa. Lá hoa màu lục với những điểm tía dài đến 1,2cm rộng 7 mm. Bầu noãn dài 4cm, lục tươi, có đốm tía đậm. Hoa to hơn cây, môi màu hường cho đến hồng phấn. Mùa hoa từ tháng 1- 4 ở ngoài thiên nhiên, nhưng có thể trồng ra hoa quanh năm. Nhìn chiếc Hài thật xinh xắn này bất chợt ta liên tưởng đến những bước chân nhẹ nhàng thanh thoát mà Nguyễn Du đã lột tả về nàng Kiều trong kho tàng văn học Việt Nam.

 

 

 
Lan hài lá cứng Paphiopedilum micranthum - Ảnh: Chu Xuân Cảnh
 

 

Lan hài tía Paphiopedilum purpuratum

Nếu có thể làm một phép so sánh khập khiễng về các loài hoa lan ở Việt Nam thì lan Hài tía thực sự là một nét vẽ hoàn hảo nhất của thượng đế ban tặng cho chúng ta. Sự pha trộn màu sắc hoàn hảo, nét vẽ tinh tế tạo nên những đường nét không thể hoàn thiện hơn. Chiếc cánh tràng hơi chúc xuống, mép có lông và giữa có vạch đậm xen lẫn các đốm. Cánh môi túi rộng, màu tím đậm và dài, hơi cong ra trước, mép thẳng. Đây cũng là loài lan Hài của Việt Nam mà các nhà khoa học chỉ tìm thấy ở Lâm Đồng và Hà Giang (theo ghi nhận của Lê Khắc Quyết)

 

 

 
Lan hài tía Paphiopedilum purpuratum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài trần liên Paphiopedilum tranlienianum

Loài lan hài được mô tả, đặt tên một người phụ nữ Việt Nam bà Trần ngô Liên này có kích thước nhỏ, lá đài sau rất đặc sắc hình tim ngược dựng đứng và cong ra trước ở phần trên, một gân giữa lõm ở mặt trong, mặt lưng lồi. Cánh môi màu vàng vàng nâu nhạt với, gân màu rượu chát, không lông ở mặt ngoài. Mặt trong túi về phía trụ có một băng lông tía đen chạy dài xuống đáy túi, càng xuống đáy túi băng lông càng trải rộng ra và đến đáy thì trải đều khắp và cho mãi đến năm 1999 loài lan này được hai nhà thực vật học Olaf Gruss và Holger Perner đã tìm thấy ở Bắc Cạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

 

 

 
Lan hài trần liên Paphiopedilum tranlienianum- Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Lan hài việt nam Paphiopedilum vietnamense

Loài này được phát hiện ở vùng biên giới phía tây bắc Việt Nam, giáp với Trung Quốc cùng với Paphiopedilumem ersoniinhưng mãi đến năm 1998 loài lan đặc hữu Việt Nam này mới được O. Gruss và H. Perner đặt tên và công bố. Với cánh hoa rất to 8 - 10cm, màu hường, môi tía đậm ở mặt trước, nhạt dần về sau, mép cuộn vào, mặt trong có nhiều đốm tía đậm và một giải lông trắng dày đặc ở phần giữa, ngay dưới chân trụ. Nhụy đực lép dạng hình tai màu lục dạng chữ V nằm trên nền vàng tươi nhạt dần ra mép. Đây là loài hoa lan đặc hữu Việt Nam .

 

 

 
Lan hài việt nam Paphiopedilum vietnamense
 

 

Lan hài vàng Paphiopedilum villosum

Trong giống lan hài ở Việt Nam thì lan Hài vàng được xem như là loài phổ biến nhất và đễ trồng nhất ở Việt Nam với cánh đài lưng màu lục có vân dọc, mép trắng hơi lật ra sau. Cánh tràng hơi chúc xuống và cong ra phía trước, mép nhăn nheo, giữa có vạch lớn màu nâu đỏ. Cánh môi dạng túi màu vàng lục hơi nâu mép màu vàng nâu và thùy bên cuộn vào trong. Trong điều kiện khí hậu thích hợp và chăm sóc tốt một bụi lan này có hàng chục chiếc hoa nở cùng một lúc tạo nên một chùm hoa rực rỡ sắc màu chen lẫn trong những đám lá màu xanh

 

 

 
Lan hài vàng Paphiopedilum villosum - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Hiện nay nhiều loài lan hài bị săn tìm, thu hái cung cấp cho các "thị trường đen" quốc tế, khiến số lượng của chúng bị suy giảm nhanh chóng, dẫn đến một số loài đã và đang dần biến mất ngoài tự nhiên. Việc thu hái tự nhiên không có kiểm soát đã khiến ít nhất một nửa số loài lan hài gần tuyệt chủng, 2 loài bị tuyệt chủng hoàn toàn ngoài thiên nhiên, 15 loài bị đe dọa ở mức nguy cấp với 8 giống sắp tuyệt chủng. Điển hình là lan hài hồng (Paphiopedium delenatii), một trong những loài lan hài nổi tiếng nhất Việt Nam hay lan Hài hằng Paphiopedium hangianum quần thể toàn cầu của loài lan hài này đã bị "xóa sổ" hoàn toàn. Hiện tại chỉ còn một số ít xuất hiện ở Khánh Hoà và phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, nhưng đang cận kề ngưỡng tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo tồn tích cực.

Chỉ được trích nguồn và hính ảnh bài này khi được tác giả cho phép

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này