Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

PHÁT HIỆN MỘT LOÀI BÒ SÁT MỚI Ở KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN CÁT BÀ, VIỆT NAM

NGUYỄN QUẢNG TRƯỜNG - Viện sinh thái tài nguyên sinh vật

 

Trong lúc Hội nghị Quốc tế về Công ước Đa dạng sinh học đang diễn ra ở Bonn, CHLB Đức (19-30/5/2008), thì một loài thằn lằn mới cho khoa học cũng vừa được phát hiện ở vùng ven biển miền Bắc Việt Nam. Loài thằn lằn này có tên là Thạch sùng mí cát bà Goniurosaurus catbaensis do mẫu chuẩn được thu thập ở đảo Cát Bà, Hải Phòng. Nhóm các tác giả gồm Thomas Ziegler (Vườn thú Cologne, Đức), Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Việt Nam), Andreas Schmitz (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Geneva, Thụy Sĩ), Roswitha Stenke (Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà, Hải Phòng) và Herbert Roesler (Bảo tàng Động vật Dresden, Đức) đã mô tả loài Thạch sùng mí cát bà và công bố trên tạp chí Zootaxa, số 1771 xuất bản ngày 19/5/2008. Loài này có đặc điểm đặc trưng gồm: thân hình mảnh dẻ, dẹp, dài thân 84-111 mm; chi dài và mảnh; mống mắt màu nâu vàng; lưng màu nâu với những vệt màu xám, có nhiều đốm màu vàng phần giáp với sườn; có một dải màu vàng nhạt hình vòng cung ở phía sau gáy, có 3-4 dải màu vàng nhạt chạy ngang lưng; vảy thân dạng hạt; có 16-21 lỗ trước hậu môn. Hiện tại mới chỉ ghi nhận loài thằn lằn này ở đảo Cát Bà và đây cũng là loài thạch sùng mí thứ tư thuộc giống Goniurosaurus hiện biết ở Việt Nam.

 

 

Thạch sùng mí cát bà Goniurosaurus catbaensis Ảnh:Thomas Ziegler

 

Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên với những vách núi đá vôi dựng đứng giữa vịnh Hạ Long mà còn được biết đến là nơi cư ngụ của loài Voọc đầu trắng (Trachypithecus poliocephalus), một loài đặc hữu chỉ phân bố ở đảo Cát Bà. Theo đánh giá của Dự án Bảo tồn Voọc Cát Bà, đến năm 2000, quần thể của loài này ước tính chỉ còn khoảng 53 cá thể phân bố rải rác trên quần đảo Cát Bà. Chính vì vậy, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã xếp loài voọc này ở mức cần ưu tiên bảo tồn cao nhất - CR (cực kỳ nguy cấp) trong Danh lục Đỏ năm 2007.

 

 

 

Một góc Khu sinh quyển Cát Bà Ảnh: Nguyễn Quảng Trường

 

Việc công bố loài thạch sùng mí ở đảo Cát Bà không chỉ nâng cao tầm quan trọng về giá trị đa dạng sinh học của đảo Cát Bà mà còn chứng tỏ có rất nhiều tiềm ẩn của thiên nhiên cần tiếp tục được khám phá ở quần đảo này. Các nhà khoa học trong và ngoài nước dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà quản lý đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Bà để thúc đẩy các chương trình nghiên cứu tiếp theo và triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực này.  

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này