Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

VƯỜN QUỐC GIA CHƯ YANG SIN, MỘT KHU VỰC ĐA DẠNG VỀ THÀNH PHẦN LOÀI BÒ SÁT VÀ ẾCH NHÁI

NGUYỄN QUẢNG TRƯỜNG - Viện sinh thái tài nguyên sinh vật

 

Trong tháng 10 năm 2007, nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Động vật Xanh-Pê-téc-bua (ZISP, Nga), Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) đã tiến hành khảo sát về sự đa dạng các loài bò sát và ếch nhái tại Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin, tỉnh Đăk Lăk. Các điểm khảo sát nằm ở độ cao 500-1600 m so với mực nước biển. Kết quả khảo sát đã chứng minh VQG Chư Yang Sin là một trong những khu vực có tầm quan trọng đối với bảo tồn đa dạng sinh học của vùng Nam Trung bộ với ghi nhận sự có mặt của 42 loài bò sát và 38 loài ếch nhái. Trong số đó, có 4 loài lần đầu tiên ghi nhận tại VQG này gồm: nhái cây ca-rin Aquixalus carinensis (Philautus carinensis), ếch cây phê Rhacophorus feae, ếch gai hàm ngọc linh Leptobrachium ngoclinhense và rắn sọc quan Euprepiophis mandarinus.

 

Loài ếch gai hàm ngọc linh mới được Nikolai Orlov mô tả năm 2005 với tên khoa học là Vibrissaphora ngoclinhensis do mẫu chuẩn thu thập tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum. Đến năm 2008, dựa vào kết quả nghiên cứu về sinh học phân tử, Zheng và cộng sự đã xếp loài này thuộc giống Leptobrachium. Điểm đáng chú ý là nhóm tác giả Nikolai Orlov (ZISP), Nguyễn Ngọc Sang (ITB) và Hồ Thu Cúc (IEBR) đã phát hiện thêm một loài ếch cây mới đặt tên là ếch cây chư yang sin Rhacophorus chuyangsinensis Orlov, Nguyen and Ho, 2008. Mô tả về loài ếch cây này được công bố trên Tạp chí Bò sát và Ếch nhái Nga Tập 15, số 1 năm 2008. Đây là loài ếch cây cỡ nhỏ (dài mút mõm-hậu môn 42-44 mm), có màu sắc rất đẹp, có thể thay đổi từ màu xanh lá cây sang màu nâu tùy thuộc điều kiện môi trường. Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay đã ghi nhận tổng số 16 loài ếch cây thuộc giống Rhacophorus ở Việt Nam.

 

 
 
 

 

 
ẾCH CÂY CHƯ YANG SIN - Rhacophorus calcaneus - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Những phát hiện mới này càng cho chúng ta thấy được những tiềm ẩn chưa được khám phá không chỉ về những loài mới ở Vườn quốc gia Chư Yang Sin mà còn rất nhiều loài bò sát, lưỡng cư khác phân bố ở Việt Nam và chúng ta sẽ vẽ thêm vào bản đồ vùng phân bố của một loài mới. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều loài bò sát, lưỡng cư được phát hiện mới nhiều nhất trên thế giới trong những năm qua.

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này