Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

PHÁT HIỆN LOÀI CÁ CÓC MỚI, GIỐNG TYLOTOTRITON (BỘ: CÓ ĐUÔI URODELA, HỌ: CÁ CÓC SALAMANDRIDAE), Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM

WOLFGANG BÖHME, THOMAS SCHÖTTLER, NGUYỄN QUẢNG TRƯỜNG VÀ JÖRN KÖHLER

 

Tóm tắt: Chúng tôi mô tả một loài mới thuộc giống Tylototriton, phát hiện ở khu vực rừng trên núi đất thấp của tỉnh Bắc Giang, miền Bắc Việt Nam. Loài này có đặc điểm đặc trưng là da được bao phủ bởi các nốt sần rất nhỏ, đầu dẹp, lưng có màu màu xám hoặc nâu nhạt, không có các đốm lớn màu cam hoặc màu đỏ trên lưng. Loài này có khả năng sinh sản trong các ao nhỏ ở trong rừng vào mùa mưa. Đồng thời, phân bố của loài Cá cóc sần Tylototriton asperrimus ở miền Bắc Việt Nam cũng được thảo luận ngắn gọn trong bài báo này.

Các từ khóa: Lớp Ếch nhái Amphibia: bộ Có đuôi Urodela, họ Cá cóc Salamandridae: giống Cá cóc sần Tylototriton; loài mới; Việt Nam.

Giới thiệu

Trong những thập kỷ gần đây, nhóm bò sát và ếch nhái của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Kết quả cho thấy, số loài được ghi nhận được đã tăng lên rõ rệt. Những ghi nhận mới và phát hiện về các loài mới đã được công bố sau mỗi chuyến khảo sát ở các khu vực rừng rậm (ví dụ như: Inger và cs., 1999; Ziegler và cs., 2000, 2004). Đối với nhóm cá cóc, hiện có 4 loài đã ghi nhận ở Việt Nam gồm:Cá cóc bụng hoa Paramesotriton deloustali (Bourret, 1934), Cá cóc quảng tây Paramesotriton guanxiensis (Huang, Tang & Tang, 1983), Sa giông sần Tylototriton verrucosus (Anderson, 1871) và Cá cóc sần Tylototriton asperrimus (Unterstein, 1930) (Nguyễn Văn Sáng & Hồ Thu Cúc, 1996; Orlov và cs., 2002; Selgie và cs., 2003; Nguyễn Văn Sáng và cs., 2005).
Tuy nhiên, theo nguồn tin không chính thức, đôi khi có một loài cá cóc xuất hiện trên thị trường sinh vật cảnh có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam nhưng chưa được mô tả (Herrmann, 2005). Những nghiên cứu thực địa gần đây của hai tác giả (T. Schöttler và Nguyễn Quảng Trường) đã khám phá sự có mặt của loài này ở tỉnh Bắc Giang, miền Bắc Việt Nam (Schöttler, 2003). Kết quả phân tích cho thấy đây là một loài mới thuộc giống Tylototriton mà chúng tôi mô tả dưới đây.

Nguyên liệu và phương pháp

Các mẫu vật được phân tích tại Bảo tàng Động vật Alexander Koenig, Bonn, Đức (ZFMK). Các thuật ngữ và đặc điểm hình thái dùng để mô tả theo Stuart và Papenfuss (2002). Các thuật ngữ dùng để mô tả như sau: SVL = chiều dài mút mõm đến hậu môn; TTL = chiều dài toàn bộ cơ thể; TAL = chiều dài đuôi đo từ mép sau của lỗ hậu môn đến hết đuôi; TAD = chiều dày tối đa của đuôi; HL = chiều dài đầu được đo từ mép sau mang tai đến mút mõm; HW = chiều rộng đầu; EN = khoảng cách giữa mắt và mũi được đo từ mép trước của hốc mắt đến lỗ mũi; IN = khoảng cách giữa hai lỗ mũi; AL = chiều dài chi trước, đo từ nách đến đến đầu mút ngón dài nhất; PL = chiều dài chi sau, đo từ điểm gốc đùi (háng) đến đầu mút ngón dài nhất. Đặc điểm của bộ xương được mô tả thông qua hình ảnh chụp X quang tại ZFMK.

 

 

 
Mẫu chuẩn đầu tiên loài Cá cóc Việt Nam Tylototriton vietnamensis - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

Kết quả
Mô tả loài mới Tylototriton vietnamensis sp. n.

Tylototriton asperrimus asperrimus: Fleck, 2003:3 (không phải trong tài liệu của Unterstein, 1930).
Tylototriton sp.: Schöttler, 2003: 23; Herrmann, 2005: 21.
Echinotriton asperrimus (partim): Nguyễn Văn Sáng và cộng sự, 2005: 9 (không phải trong tài liệu của Unterstein, 1930).
Mẫu chuẩn đầu tiên: ZFMK 80637, con đực trưởng thành (Hình 1-2), thu thập ở gần thôn Đồng Vành, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, miền Bắc Việt Nam  (21°12' vĩ độ Bắc, 106°40' khinh độ Đông, độ cao khoảng 250-300 m so với mực nước biển), thu ngày 23 tháng 6 năm 2003 bởi Nguyễn Quảng Trường và T. Schöttler.
Mẫu chuẩn thứ cấp: ZFMK 82971-972, hai con đực trưởng thành, thu ở địa điểm cùng với mẫu chuẩn đầu tiên, vào  tháng 7 năm 2004 bởi Nguyễn Quảng Trường và T. Schöttler.
Mẫu tham khảo: ZFMK 82973-75, 3 con non, cùng địa điểm trên, được phát hiện vào tháng 7 năm 2004 bởi Nguyễn Quảng Trường và T. Schöttler.

Hình 2 Ấu trùng của loài Tylototriton vietnamensis
 
Hình 3 Ảnh chụp X quang của loài Tylototriton vietnamensis

Đặc điểm nhận dạng: Loài mới đặc trưng bởi các đặc điểm sau: cơ thể khá chắc khoẻ; đầu dẹt, rộng hơn so với thân; xương dưới tuyến mang tai lớn, thuôn dài; lưng có các nốt sần nhỏ nhỏ, có 3 gờ chạy dọc theo lưng; các mấu lồi đỉnh xương sườn rất nhỏ, không phát triển; riềm da trên và dưới đuôi phát triển; gốc lưỡi không có riềm tự do ở phía sau; mẫu sống có lưng màu xám nâu hoặc nâu nhạt, bụng màu xám sẫm; mấu lồi dọc hai bên sườn có màu vàng cam nhạt; mép dưới đuôi và đầu các ngón có màu vàng cam.

Hình 4. Bản đồ phân bố của loài Cá cóc sần ở Việt Nam: (1) tỉnh Bắc Giang (địa điểm thu mẫu chuẩn); (2) + (3) tỉnh Cao Bằng; (4) tỉnh Nghệ An. Dấu hỏi biểu thị vị trí của  Tylototriton cf. vietnamensis ở tỉnh Lào Cai. Đường ngắt quảng chỉ ranh giới tỉnh

So sánh: Tylototriton vietnamensis khác với loài T. kweichowensis (Fang & Chang, 1932) và T. shanjing (Nussbaum, Brodie & Yang, 1995) bởi cơ thể mảnh hơn và rìa trên đuôi không có màu cam hoặc vàng. Ngoài ra, T. verrucosus khác với loài mới này do có kích thước lớn hơn, đầu nhọn và có màu cam hoặc vàng nhạt ở trên lưng, đuôi và hai bên sườn. Tylototriton taliangensis (LIU, 1950) khác với Tylototriton vietnamensis do cá thể trưởng thành có đầu nhọn, cơ thể mảnh và dài hơn và có các chấm đỏ ở phía sau mấu lồi mang tai.

Về đặc điểm hình thái ngoài thì loài mới này tương tự với loài cá cóc sần T. asperrimus, cá cóc hải nam T. hainanensis (Fei, Ye & Yang, 1984) và các cóc ven-xi-an T. wenxianensis (Fei, Ye & Yang, 1984). Tuy nhiên, T. vietnamensis khác với T. wenxianensis ở những đặc điểm sau (đặc điểm của T. wenxianensis ở trong ngoặc đơn): lưng có màu gần giống xám đến nâu nhạt (đen), nhìn từ phía trên thì mõm tù (tròn), có các mấu lồi đỉnh xương sườn kém phát triển tạo thành gờ dọc bên lưng (mấu lồi đỉnh xương sườn và gờ bên lưng không rõ ràng). Ngược lại với T. vietnamensis, T. asperrimus có màu lưng đen, mấu lồi đỉnh xương sườn nhô cao, mõm tròn và gờ xương trên đầu nhô cao. Tylototriton hainanensis khác biệt do có kích thước lớn hơn, đầu có chiều rộng lớn hơn nhiều so với chiều dài, lưng màu đen và mõm tròn hơn.

Mô tả mẫu chuẩn đầu tiên: Cơ thể chắc mập; đầu rộng hơn thân. Nhìn từ trên xuống, đầu hơi vát. Xương sọ rộng, có xương hàm trê tạo thành một góc gần như vuông với trục cơ thể. Mõm ngắn, hơi xiên khi nhìn từ mặt trên, dạng tròn và hơi nhô ra ở hàm dưới. Lỗ mũi ở gần mút mõm. Môi trên dày, rìa mép có thể trùm kín môi dưới ở phần phía dưới mắt. Răng lá mía xếp thành hai hàng, bắt đầu từ phía sau của răng hàm trên sau cùng cho đến giữa lỗ khẩu cái, tách biệt nhau. Lưỡi có đĩa đệm kém phát triển, không có rìa tự do. Có 13 đốt xương sống. Các mấu lồi xương sống thấp, xếp thành một hàng chạy từ phía sau đầu cho đến gốc đuôi. Có hai hàng nốt sần chạy dọc từ phía sau chi trước đến gốc đuôi. Hầu như toàn bộ phần da lưng có những nốt sần rất nhỏ, phía dưới nhẵn. Tuyến mang tai phình rộng, hơi xiên về phía sau. Không có riềm cổ họng. Ngón tay không có màng bơi, chân có màng bơi ở phần sát gốc bàn chân. Đuôi dẹp theo chiều thẳng đứng, riềm da phía trên và dưới đuôi khá phát triển, mút đuôi nhọn. Các số đo xem trong Bảng 1. Mẫu ngâm cồn: mặt lưng và bụng có màu nâu nhạt. Đầu ngón chân và tay màu kem. Đuôi màu nâu nhạt, riềm dưới đuôi có màu vàng kem. Viền xung quanh lỗ hậu môn cũng có màu vàng kem. Mẫu sống chỉ khác ở chỗ có màu vàng cam đậm hơn ở các phần tương ứng.

Dạng sai khác: Không có sự khác biệt đáng kể về màu sắc và kích cỡ giữa 3 mẫu cá thể đực. Tuy nhiên, 2 mẫu chuẩn tiếp theo có màng bơi ở chân lớn hơn một chút. Khi mới thu thập, các mẫu ở ao có nước thường có màu sáng hơn ở phần lưng (Hình 1) so với mẫu bắt được ở ao cạn trong rừng (xem Fleck, 2003: Hình 6, với tên gọi là Tylototriton asperrimus asperrimus).
Lịch sử tự nhiên: Các mẫu được tìm thấy ở các ao nhỏ trong rừng hỗn giao thứ sinh chủ yếu là tre nứa. Một mẫu con non được tìm thấy vào tháng 6 năm 2003 có chiều dài cơ thể 45 mm (Hình 3). Tại địa điểm thu mẫu chuẩn, con non cũng được tìm thấy vào khoảng tháng 6 đến tháng 7, năm 2003 và 2004. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm 2005, chỉ một vài con đực được phát hiện trong ao mà không thấy có con non xuất hiện. Theo thông tin được cung cấp bởi các nhà khoa học bản địa, những con non tìm thấy vào tháng 10 hầu như đã hoàn thành quá trình biến thái. Vào thời điểm đó, những con trưởng thành đã di cư ra khỏi các ao - nơi chúng cư ngụ. Có lẽ việc giao phối và sinh sản thường diễn ra trong các ao này trong mùa mưa.

Phân bố: Cho đến nay loài mới này được ghi nhận ở bốn địa điểm thuộc miền Bắc và miền Trung Việt Nam (Hình. 4). Ngoài địa điểm thu mẫu chuẩn của loài còn ghi nhận ở xã Quang Thanh (22°38' vĩ độ Bắc, 105°55' kinh độ Đông) và xã Thành Công (22°48' vĩ độ Bắc, 105°44' kinh độ Đông), huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; khu vực Pù Hoạt, xã Đồng Văn , huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Các mẫu ở xã Nậm Tha (21°55' vĩ độ Bắc, 104°22' kinh độ Đông, độ cao 850 m), huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (Nguyễn và cs., 2005) có một số đặc điểm khác biệt nhỏ nên ở đây vẫn còn nghi ngờ là loài T. vietnamensis (xem phần thảo luận). Tylototriton vietnamensis có khả năng cũng phân bố ở khu vực tiếp giáp phía bắc Trung Quốc và đông Lào.
Nguồn gốc tên: Loài mới này được đặt tên gắn liền với tên quốc gia mà nó được phát hiện, Việt Nam.

Thảo luận

Tylototriton vietnamensis là loài cá cóc thứ 5 và là loài thứ 3 thuộc giống Tylototriton được ghi nhận ở Việt Nam. Nguyễn Văn Sáng và Hồ Thu Cúc (1996) đã ghi nhận loài T. asperrimus ở vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn, miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi cũng đã được xem ảnh của loài được cho là giống với Tylototriton asperimus, thu được ở một địa điểm gần dãy Tam Đảo, miền Bắc Việt Nam và thấy rằng có một số đặc điểm khác biệt với mô tả của loài Cá cóc sần T. asperimus: thân rất ngắn, đầu rất rộng với mấu xương rất lớn. Đặc điểm này thường giống với loài Cá cóc hải nam T. hainanensis hơn là loài T. asperimus (Fei và cs., 1984). Như vậy cũng không thể loại trừ khả năng những ghi nhận về loài T. asperimus trong tài liệu của Nguyễn Văn Sáng và Hồ Thu Cúc (1996) có thể chính là loài T. hainanensis.

 

ZFMK 80637, male, paratype

ZFMK 82971, male, paratype

ZFMK 82972, male, holotype

SVL

50.1

 48.3

53.6

TTL

119.5

113.9

121.8

TAL

63.9

62.4

63.1

TAD

8.0

6.6

7.5

HL

18.6

17.6

15.3

HW

16.7

15.7

17.0

EN

4.0

4.0

4.4

IN

5.4

5.5

6.1

AL

16.0

18.7

19.8

PL

21.3

20.6

20.1

Bảng 1.  Các kích thước của các mẫu chuẩn của loài Cá cóc Việt Nam Tylototriton vietnamensis (mm).

Khoảng cách địa lý giữa đảo Hải Nam và miền Bắc Việt Nam chưa đầy 400 km, vì vậy khả năng tồn tại của loài T. hainnanensis ở miền Bắc Việt Nam là có thể và cần được nghiên cứu thêm.

Gần đây, Nguyễn Văn Sáng và cộng sự (2005) đã ghi nhận loài Cá cóc sần T. asperrimus (dưới tên khoa học là Echinotriton asperrimus) ở một số địa điểm thuộc miền Bắc Việt Nam. Trong một tấm ảnh màu, Nguyễn Văn Sáng và cộng sự (2005: trang 147) đã chụp một mẫu từ tỉnh Lào Cai, phía Bắc Việt Nam. Mẫu này rất giống với loài T. vietnamensis ở hình dạng, kích cỡ, đầu dẹp và và màu sắc. Tuy nhiên, lưng có nhiều nốt sần nhỏ hơn và màu sẫm hơn. Sự khác nhau không đáng kể này có thể là sự thay đổi theo mùa, từ những cá thể tìm thấy vào thời điểm sống dưới nước thường có da nhẵn hơn, màu sắc sáng hơn còn những cá thể tìm thấy trong các vũng cạn trong rừng thường có màu sẫm hơn và da sần hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa khẳng định chắc chắn quần thể ở khu vực Lào Cai có thể là loài T. vietnamensis trừ khi phân tích trực tiếp các mẫu vật thu được ở khu vực này.

Tóm lại, theo chúng tôi, những ghi nhận trước đây về loài Cá cóc sần Tylototriton asperrimus (hoặc dưới tên đồng nghĩa khác là Echinotriton asperrimus) ở Việt Nam có khả năng là loài Cá cóc hải nam T. hainamensis (Nguyễn Văn Sáng và Hồ Thu Cúc, 1996) hoặc T. vietnamensis (Fleck, 2003; Nguyễn Văn Sáng và cs., 2005).

Zhao và Hu (1988) đã đề nghị Tylototriton asperrimus nên được xếp vào giống Echinotriton do loài này cũng có mấu lồi đỉnh xương sườn nhô cao qua lớp da và kiểu đẻ trứng trên cạn (so sánh với Nussbaum và Brodie, 1982). Nussbaum và cộng sự (1995) đưa ra những bằng chứng thuyết phục để xếp lại loài này thuộc giống Tylototriton và điều này cũng đã được khẳng định lại do các kết quả nghiên cứu về di truyền gần đây (Larson và cs., 2003). Như đã nói trên, Tylototriton vietnamensis có chung một số đặc điểm hình thái ngoài tương tự với T. asperrimus, nhưng hình dạng của nó có nhiều những điểm khác biệt. Nhìn qua lớp da, chúng tôi không thấy mấu lồi đỉnh xương sườn không nhô cao trong số các mẫu đã phân tích. Tuy chưa có nghiên cứu nào về mối quan hệ giữa hai loài này nhưng có thể chúng sẽ có những mối liên quan với nhau.

Lời cảm ơn:

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Văn Sáng (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) là người đầu tiên đã tìm thấy mẫu vật của loài này ở tỉnh Bắc Giang, ông Raoul Bain (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ), ông Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường) và ông Thomas Ziegler (Vườn Thú Cologne) đã cung cấp bản đồ và các tư liệu khoa học. Bên cạnh đó, chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Dương Xuân Bánh (Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang) về sự giúp đỡ quý báu trong quá trình nghiên cứu thực địa tại Bắc Giang và ông Klau Busse (Bảo tàng Động vật Koenig, Đức) đã giúp chuẩn bị ảnh X-quang.

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này