Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

PHÁT HIỆN 4 LOÀI CHUỒN CHUỒN KIM MỚI Ở VIỆT NAM.

Phan quốc Toản - Tokyo Metropolitan University.

Các nhà nghiên cứu chuồn chuồn Việt Nam và Nhật Bản mới phát hiện và công bố 4 loài chuồn chuồn kim mới cho khoa học trên tạp chí Zootaxa 4098 (3). Chuồn chuồn kim giống Protosticta, còn gọi là "chuồn chuồn rừng" (forestdamsels) hay "chuồn chuồn kim bóng râm" (shadowdamsels) do bởi đặc tính sinh thái học của chúng là luôn ẩn mình dưới bóng của các bụi cây ven suối sạch trong rừng. Đa số các loài này có hình thái bên ngoài giống nhau với cơ thể màu đen tuyền, bụng rất dài và các đốt bụng gồm các khoang đen, trắng. Cánh của chúng thường trong suốt, phần mút cánh cong dạng lưỡi liềm. Đặc điểm này giúp các nhà phân loại học dễ dàng phân biệt với các họ chuồn chuồn kim khác. Chuồn chuồn kim Protosticta là loài ít di chuyển, thường đậu sát mặt đất và chiếc đuôi thẳng lên trên. Đây là một hình thức ngụy trang giúp chúng trông giống như những cành cây khô. Loài này hoạt động khi bay khi kiếm ăn và giao phối.. Các loài trong giống Protosticta đều có phần phụ sinh dục đực (anal appendages) cấu tạo rất phức tạp, sự khác nhau về đặc điểm cấu tạo của cấu trúc này là cơ sở để định loại các loài khác nhau.

 

1. Chuồn chuồn kim ngoại - Protosticta ngoai - Là loài gần gũi với loài Protosticta taipokauensis Asahina & Dudgeon, 1987. Nhưng chúng khác nhau về đặc điểm cấu tạo phần phụ sinh dục đực. Tên của loài "ngoai" được dựa theo từ tiếng Việt nghĩa là "nhà ngoại", tức quê ngoại của tác giả thứ nhất của bài báo. Protosticta ngoai được phát hiện và thu mẫu ở huyện Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình..

     

Cấu tạo phần phụ sinh dục của con đực loài Chuồn chuồn kim ngoại - Protosticta ngoai - Ảnh: Phan Quốc Toản

 

2. Chuồn chuồn kim hài - Protosticta socculus - Loài này được phát hiện ở các huyện Đông Giang và Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Tên của loài "socculus" có nghĩa là chiếc giày/hài, mô tả cấu trúc phần phụ sinh dục của con đực có hình dạng rất giống với chiếc giày.

   

Cấu tạo phần phụ sinh dục của con đực loài Chuồn chuồn kim hài - Protosticta socculus - Ảnh: Phan Quốc Toản

 

3. Chuồn chuồn kim gai lớn - Protosticta spinosa - Loài này được phát hiện ở huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái. Tên của loài "spinosa" để chỉ cấu trúc phần phụ sinh dục đực có hai chiếc gai lớn, khác biệt với tất cả các loài khác trong giống này.

   

Cấu tạo phần phụ sinh dục của con đực loài Chuồn chuồn kim gai lớnProtosticta spinosa - Ảnh: Phan Quốc Toản

 

4. Chuồn chuồn kim đồng hình - Protosticta pseudocuriosa. Rất dễ nhầm lẫn với loài Protosticta curiosa Fraser, 1934 có vùng phân bố ở Thái Lan và Myanmar. Do có sự tương đồng về các đặc điểm cấu tạo. Tuy nhiên, khi các tác giả so sánh mẫu vật của loài Protosticta curiosa từ Thái Lan thì loài của Việt Nam. Chúng tôi phát hiện ra sự khác biệt về cấu trúc phần phụ sinh dục đực. Tên của loài "pseudocuriosa" để chỉ sự tương đồng giữa hai loài này. Loài này được phát hiện ở huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình và huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh.

   

Cấu tạo phần phụ sinh dục của con đực loài Chuồn chuồn kim đồng hình - Protosticta pseudocuriosa - Ảnh: Phan Quốc Toản

 

Do có đời sống ít di chuyển, chỉ ở những nơi suối sạch và mỗi loài phân bố khá hẹp cho nên chuồn chuồn kim Protosticta là loài khá nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường sống, bất kỳ sự tác động nào tới ven suối cũng dễ dàng làm biến mất một nhóm quần thể, thậm chí là cả một loài.

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này