Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

PHÁT HIỆN LẠI LOÀI VẠC HOA Ở VÙNG RỪNG NÚI ÐÁ VÔI LŨNG LỲ


Là một phần của dự án PARC tại Vườn quốc gia Ba Bể và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang ở vùng Đông Bắc Việt Nam, trong tháng 4 và 5 , các chuyên gia của Tổ chức BirdLife quốc tế đã tiến hành khảo sát thực địa về đa dạng sinh học tại các vùng rừng nằm ngoài hai khu bảo vệ nêu trên.
Mục tiêu của đợt khảo sát nhằm đưa ra các kiến nghị đề xuất các biện pháp để bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ sinh thái rừng của Ba Bể và Na Hang. Ba Bể và Na Hang được biết đến là nơi sống của hai loài linh trưởng đặc hữu và đang bị đe doạ tuyệt chủng là Voọc mũi hếch Rhinopithecus avunculus và Voọc đen má trắng Semnopithecus francoisi franncoisi. Cả hai loài linh trưởng này hiện đang bị đe doạ tuyệt chủng ở mức độ toàn cầu và đang đối mặt với săn bắn và mất môi trường sống. Trong đợt khảo sát thực địa vừa qua đã có một phát hiện có ý nghĩa quan trọng. Đã phát hiện lại loài Vạc hoa sau hơn 25 năm kể từ lần ghi nhận đầu tiên ở Việt Nam, đây là loài chim đang bị đe doạ tuyệt chủng trên toàn cầu.
Vạc hoa Gorsachius magnifcus, đã được Lê Trọng Trải tái phát hiện tại vùng rừng núi đá vôi Lũng Lỳ thuộc xã Bản Thi và Xuân Lạc, tỉnh Bắc Kạn. Đã nhìn thấy Vạc hoa vào hai ngày liên tiếp là 30/4 và l/5 trong khi chim đậu và ngủ trên cây cao gần suối ở thung lũng. Rừng khu vực Lũng Lỳ là rừng thường xanh trên núi đá vôi với diện tích khoảng 3000 ha, hầu hết rừng trong tình trạng nguyên sinh. Đây là khu vực nằm về phía đông của Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang và tiếp giáp với khu Na Hang qua giải rừng thường xanh trên núi đất. Vì thế có thể mở rộng khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang và đưa khu vực này trong tình trạng được bao tồn. Vạc hoa là một trong các loài vạc rừng, hoạt động vào đêm và ban ngày đậu ngủ trong rừng. ở Việt Nam, Vạc hoa chỉ mới ghi nhận một lần ở tỉnh Hoà Bình. Trên thế giới loài này chỉ ghi nhận ở một số điểm ở Đông nam Trung Quốc và đảo Hải Nam; tuy nhiên tình trạng của chúng cũng rất hiếm.
Thật vậy. trong xuất bản gần đây của BirdLife quốc tế (BirdLife lntemational) về Các loài Chim đe doạ của Thế Giới, loài này được xếp vào bậc bị đe doạ nghiêm trọng (Endangered species) và trước khi phát hiện lại vạc hoa nhiều người đã nghĩ rằng loài này có thể đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
Việc phát hiện lại loài Vạc hóa ở Lũng Lỳ đã khẳng định rằng Vạc hoa vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, và điều đó cũng cho thấy hệ sinh thái rừng Lũng Lỳ là một phần của Vùng Chim Đặc Hữu (Endemic Bird Area-EBA) ở Đông bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá ít thông tin về loài này ở Việt Nam và cần phải điều tra trên diện rộng ở các vùng có hệ sinh thái rừng thích hợp trong phạm vi Ba Bể, Na Hang và các vùng xung quanh để hiểu biết đầy đủ về tình trạng của loài chim hiếm này.

 

Phùng Mỹ Trung (theo birdlife Việt Nam)

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này