Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

MỚI NHƯNG KHÔNG HIẾM: CÔNG BỐ THÊM  MỘT LOÀI ỄNH ƯƠNG MỚI Ở KHU VỰC ĐÔNG DƯƠNG

Nguyễn Quảng Trường & Phùng Mỹ Trung - Sinh vật rừng Việt Nam

 

Thông thường thì việc ghi nhận hay phát hiện một loài mới hay được khám phá ở những vùng rừng núi, hải đảo xa xôi hẻo lánh do còn ít nghiên cứu được tiến hành ở những địa điểm này. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ đó là các loài phổ biến hoặc có vùng phân bố rộng như các loài sống ở các vùng đồng bằng hoặc gần khu dân cư. Ví dụ điển hình là loài Nhông bách Calotes bachae, một loài gặp khá thường xuyên trong vườn nhà khắp các tỉnh Tây nguyên và miền Nam Việt Nam nhưng vừa được công bố là loài mới vào đầu năm 2013. Các loài phổ biến thường ít được chú ý về mặt phân loại học một phần do sự chủ quan của các nhà nghiên cứu, nhưng phần lớn là do sự tương tự về mặt hình thái (đồng hình) giữa các quần thể trong vùng phân bố của nó nên rất dễ gây ra sự nhầm lẫn trong định loại. Chính vì vậy, đây cũng là cơ hội để một số nhóm nghiên cứu tìm hiểu kỹ hơn về sự sai khác giữa các quần thể cũng như kiểm tra lại việc định danh của các loài.

Loài Ễnh ương nâu Kaloula baleata được Mueller mô tả vào năm 1836 dựa trên mẫu vật thu ở Indonesia. Theo các tài liệu thì vùng phân bố của loài này khá rộng: từ Philippine đến Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của nhóm các nhà khoa học đến từ Mỹ, Canada, Singapore và Việt Nam đã so sánh và đi đến kết luận quần thể loài Ễnh ương ở Việt Nam và Lào không phải là loài Ễnh ương nâu Kaloula baleata mà là một loài mới. Nhóm nghiên cứu này đặt tên loài mới là Ễnh ương đông dương với tên khoa học là Kaloula indochinensis, dựa theo tên vùng phân bố của loài ở khu vực Đông dương (Indochina) gồm ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Bài báo công bố loài mới do Kin Onn Chan, một nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kansas, Hoa Kỳ đứng đầu vừa được xuất bản trên tạp chí Herpetologica (số tháng 9 năm 2013). Loài Ễnh ương đông dương có đặc điểm nhận dạng chính như sau: chiều dài mút mõm-lỗ huyệt khoảng 44-54mm ở con đực, 39-54 mm ở con cái; đầu ngón tay phình rộng thành đĩa bám; dưới ngón chân thứ tư thường có 2 củ khớp ngón; củ bàn trong khá dài; có đốm màu cam ở vùng cổ ngay phía sau mắt, vùng nách và gốc tay. Loài Ễnh ương  đông dương khác với loài Ễnh ương nâu ở chỗ có đĩa bám ở ngón tay thứ ba lớn hơn, chiều dài củ bàn trong ngắn hơn, chỉ có 2 củ khớp ngón so với 3 củ khớp ngón trên ngón chân thứ tư ở loài Ễnh ương nâu. Ở Việt Nam, loài Ễnh ương đông dương hiện ghi nhận phân bố ở các tỉnh Gia Lai và Đồng Nai. Đây là loài ễnh ương thứ ba ghi nhận ở Việt Nam bên cạnh loài Ễnh ương thường Kaloula pulchaỄnh ương vạch Kaloula mediolineata.

 

   

 

 

 
ỄNH ƯƠNG ĐÔNG DƯƠNG Kaloula indochinensis -  Ảnh: Phùng mỹ Trung
 
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này