Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

CUỘC SĂN TÌM LOÀI BÒ SÁT KHỔNG LỒ KỲ BÍ Ở VIỆT NAM

Phùng Mỹ Trung – ADMIN

 

Chúng tôi giật bắn và tung người khỏi chăn khi nghe tiếng hét thất thanh của Tuấn. Tất cả đồng loạt lao ra khỏi lều và chạy bổ về hướng phát ra tiếng động… Đôi khi, sự may mắn trong nghiên cứu đã mang đến những cảm xúc thú vị và bất ngờ đến không tưởng. Trong đó có câu chuyện về loài bò sát khổng lồ ở Việt Nam - loài trăn cộc Python brongersmai.

Ảo giác về “rắn thần”?
Cách đây khoảng 4 năm Tuấn - một thành viên trẻ của website Sinh vật rừng Việt Nam (SVRVN) sống ở khu vực Vườn quốc gia Lò Gò – Sa Mác (Tây Ninh) đã gọi điện thoại cho tôi kể về việc cậu nhìn thấy một loài rắn rất đẹp. Sắc da của nó màu đỏ bầm như máu với các hoa văn phân bố khá đều ở trên lưng.
Anh chàng hào hứng cho rằng mình đã may mắn gặp được “rắn thần” vì sau đó một thời gian thì công việc làm ăn rất suôn sẻ, may mắn. Nhưng với tư cách là thành viên của SVRVN thì Tuấn cũng băn khoăn về nguồn gốc phân loại của loài “rắn thần” đó và chúng phân bố như thế nào ở Việt Nam. Thế nhưng, khi tôi hỏi về mẫu vật loài thì hắn tiu nghỉu: “Em chỉ nhìn thấy nó rất to, mình tròn trùng trục mà ngắn bò qua đường ven suối nhưng không dám đến gần vì sợ là rắn độc…”.
Bẵng đi một thời gian, câu chuyện về loài “rắn thần” của Tuấn gần như rơi vào quên lãng vì việc phán xét mơ hồ về tên một loài nào đó, nếu không có mẫu vật, là điều tối kị trong phân loại sinh vật. Mới đây, Tuấn lại gọi cho tôi lần nữa và lại hào hứng kể về cuộc “hội ngộ” với vị “rắn thần” mà cậu ta đã gặp mấy năm trước trong một lần lội rừng với bạn bè.
Nói có sách, mách có chứng, Tuấn gửi tôi mấy tấm hình được chụp bằng chiếc điện thoại “cùi bắp” của hắn, trong điều kiện ánh sáng yếu bởi cây rừng bao phủ. Tuy tấm ảnh mờ tịt nhưng tôi cũng lờ mờ đoán được vị “rắn thần” của Tuấn khá giống với một trong ba loài trăn thuộc giống Python phân bố ở Việt Nam. Để đáp lại tấm thịnh tình và lòng nhiệt huyết của Tuấn chúng tôi hẹn nhau một chuyến đi để diện kiến vị “ân nhân” này.

 

 

 

 
Trăn cộc Python brongersmai - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

Cuộc xâm nhập “bất hợp pháp”
Cơn mưa buổi sáng Chủ nhật dai dẳng mãi không dứt. Mùa này, ở vùng đệm giáp biên giới Việt Nam – Campuchia, nước đã tràn trề hầu khắp các con lạch, mênh mang cả một phần khu rừng của Vườn quốc gia Lò Gò – Sa Mác. Chúng tôi vừa ngồi nhấm nháp café vừa đợi mưa tạnh. Cẩn thận hơn, tôi gọi điện thông báo với “chiến hữu” của mình hiện đang là Trạm trưởng một trạm kiểm lâm của VQG về ý định xâm nhập “bất hợp pháp” của nhóm. Tuy không thể cùng tham gia chuyến đi nhưng anh đã nhiệt tình cử hai nhân viên kiểm lâm tới “tháp tùng” nhóm nghiên cứu.
Mưa mãi không dứt. Chúng tôi quyết định luồn rừng trong mưa theo lộ trình mà Tuấn đã vạch sẵn. Bì bõm trong nước mưa, nhiều chỗ ngập ngang đầu gối, không ai nói với ai câu nào lầm lũi bước đi. Khi chúng tôi đến được nơi Tuấn phát hiện ra “rắn thần” trước đó thì mưa cũng ngừng rơi. Mọi người chia nhau ra lùng sục, ngó nghiêng từng gốc cây, bụi cỏ trong bán kính rộng đến nửa kilomet. Chúng tôi tìm kiếm đến mệt nhoài trong vô vọng. Trên đầu, những tia nắng mặt trời gay gắt bắt đầu xuyên qua các kẽ lá. Mồ hôi hòa cùng những giọt nước mưa còn sót lại trên tán lá cây nhỏ xuống ướt đẫm cả áo. Chúng tôi quyết định dừng lại ăn trưa và nghỉ ngơi.
Cũng với quy mô và phương pháp tìm kiếm như buổi sáng cho đến khi trời nhập nhoạng, kết quả chúng tôi thu được vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Mọi người bắt tay vào việc dựng lều để ngủ qua đêm trong rừng. Một đêm mệt nhoài không màu sắc.
Sáng hôm sau, khi mặt trời còn bị những đám mây hơi nước che kín và trong rừng còn rất tối thì lũ chim rừng đã thức dậy inh ỏi gọi bầy. Cả khu rừng rộn ràng trong bản giao hưởng chào buổi sáng với mớ âm thanh hỗn độn của chim chóc và côn trùng trong rừng già. Có lẽ vì mãi không tìm được “vị thần” nên Tuấn thức dậy sớm. Cu cậu thơ thẩn đi dạo loanh quanh khu cắm trại trong khi mọi người vẫn ngon giấc…

Bỗng nhiên, chúng tôi giật bắn và tung người khỏi chăn khi nghe tiếng hét thất thanh của Tuấn. Tất cả đồng loạt lao ra khỏi lều và chạy bổ về hướng phát ra tiếng động… Cách khu lều trại không xa, Tuấn đang đứng “chết trân” như… Từ Hải, mắt nhìn không chớp vào một bụi cỏ lác. Chúng tôi chạy thục mạng đến nơi thì phát hiện một trong những “vị thần” của Tuấn đang nằm im ngủ sau một đêm no nê săn mồi.

Sáng tỏ về nghi vấn phân bố
Với kinh nghiệm lấy mẫu bò sát, tôi nhẹ nhàng vạch kẽ lá, lấy đèn pin săm soi vì không muốn đánh thức giấc ngủ của nó. Sau đó, không kìm nén được sự vui mừng khi được tận mắt nhìn thấy loài vật từng được giới phân loại nghi ngờ phân bố ở Việt Nam trong suốt thời gian dài, tôi nhẹ nhàng dùng tay bốc nó ra một nơi để dễ quan sát và chụp hình hơn. Sau khi kiểm tra ‘vị thần” của Tuấn một cách cẩn thận và kỹ lương, tôi có thể khẳng định chắc chắn với những nhà nghiên cứu bò sát lưỡng cư ở Việt Nam và thế giới rằng: Những nghi ngờ của họ về sự phân bố của loài Trăn cộc Python brongersmai đã hoàn toàn sáng tỏ. Python brongersmai chắc chắn có vùng phân bố ở Việt nam và với cá thể nhỏ này, chắc chắn sẽ có những cá thể cha, mẹ lớn hơn cùng phân bố ở Vườn quốc gia Lò Gò – Sa Mác.
Vì những lý do bảo vệ sự tồn tại của loài trăn xinh đẹp và quí hiếm này, chúng tôi không thể công bố địa điểm, tọa độ chính xác về vùng phân bố của nó, ngay cả trong các báo cáo khoa học. Chính những hoa văn và sắc màu tự nhiên tuyệt đẹp trên cơ thể Python brongersmai đã khiến chúng trở thành loài bị săn bắt, tận diệt nhằm đáp ứng cho nhu cầu của những người nuôi trăn cảnh.

Sau nhiều năm gần như được cho là “biệt tích” ở nước ta, hiện nay, những cá thể Trăn cộc Python brongersmai đã không chỉ còn là những nghi vấn khi được tìm thấy trong tự nhiên ở Việt Nam. Điều quan trọng lúc này là rất cần sự chung sức đồng lòng của cộng đồng nhằm bảo vệ loài bò sát đẹp như kiệt tác này.

 

 

 
Trăn cộc Python brongersmai - Ảnh: Phùng mỹ Trung
 

 

Chân dung “gã khổng lồ” Python brongersmai
Trăn cộc là một loài rắn cỡ lớn và trong số 3 loài trăn thuộc giống Python phân bố ở Việt Nam thì trăn cộc Python brongersmai là loài có kích thước nhỏ nhất và cũng là loài hiếm nhất. Python brongersmai có vùng phân bố hẹp ở miền Nam Việt Nam và phân bố khá rộng ở một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia.Loài trăn này không chỉ ngắn, mập mà còn có nhiều màu sắc phong phú trên từng cá thể như đen, đỏ thẫm, vàng ngọc và trắng với hoa văn rất lạ, đẹp. Loài trăn này phân bố khá rộng ở một số quốc gia lân cận  như  Malaysia, Indonesia, Singapor và Thái Lan, Cambodia … và theo các tài liệu ghi lại, năm 1970 nhà động vật học Campden phát hiện và ghi nhận loài này được buôn bán ở Sài Gòn - miền Nam Việt Nam. Cho mãi đến năm 1977 Grandison cũng ghi nhận loài được nuôi ở Bình Thuận, thành phố HCM và Cà Mau. Mới đây năm 2005 nhà nghiên cứu bò sát Việt Nam Tiến sỹ Nguyễn quảng Trường cùng các đồng sự cũng đã ghi nhận loài này được buôn bán và nuôi ở một số trại nuôi tại thành phố HCM. Tuy nhiên những dữ liệu rời rạc trên chưa thế khẳng định chắc chắn loài trăn cộc thực sự là loài có vùng phân bố chính xác ở nước ta vì không ai nhìn thấy và thu mẫu ở rừng Việt Nam.

Loài trăn này có đầu nhỏ, hình tam giác, ở mỗi bên mép trên có hai hõm vảy nằm ở 2 vảy mép sát đầu mõm. Có 2 gai nhỏ (hình cựa) ở 2 bên lỗ hậu môn. Trăn cộc có đầu màu vàng nhạt, có một vệt xám đen chạy từ mõm bao hết phần má, môi trên và dưới kéo dài ra tới cổ. Lưng xám, chính giữa lưng có hàng chấm sáng lớn ở giữa sáng hơn, càng về cuối thân các vết đốm này kéo dài ra và nối lại với nhau ở sườn có những đốm xám rất to. Chiều dài cơ thể tới 2m.

Trong các nghiên cứu về phân loại sinh học thế giới từng có rất nhiều loài bị nghi ngờ có vùng phân bố ở Việt Nam do những công bố trước đây thiếu rất nhiều dữ liệu. Nguyên nhân chính là điều kiện thực tế thời điểm đó không cho phép các nhà khoa học có cơ hội để điều tra cũng như nghiên cứu sâu hơn… Chính vì thế mà đôi khi, những nghiên cứu tiếp theo về những loài bị nghi ngờ ấy tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành khoa học phân loại có sự phát triển bùng nổ nhờ vào các ứng dụng khoa học tiên tiến trên thế giới, trong đó có vai trò không nhỏ của Internet.

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này