Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 6 Tháng 3 29, 2024 6:20 am



Gửi bài trả lời  [ 3 bài viết ] 
 Khám phá Vườn quốc gia non trẻ Phước Bình 
Người gửi Nội dung
Site Admin
Hình đại diện của thành viên

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 11 12, 2003 3:10 am
Bài viết: 715
Đến từ: Hải quan Đồng Nai
Gửi bài Khám phá Vườn quốc gia non trẻ Phước Bình
KHÁM PHÁ VƯỜN QUỐC GIA NON TRẺ PHƯỚC BÌNH

Việt Nam mảnh đất của đa dạng sinh học nhất nhì Đông Nam Á. Với gần 30 Vườn quốc gia được thành lập ở Việt Nam cho thấy đa dạng sinh học của chúng ta đã được nhà nước quan tâm và phát triển nhằm bảo tồn các giá trị nguồn gen cho tương lai. Nhằm giới thiệu đến thành viên website Sinh vật rừng Việt Nam. Chúng tôi chia sẻ và giới thiệu Vườn quốc gia non trẻ Phước Bình.
Sau hơn 2 năm kể từ ngày thành lập thành lập Vườn quốc gia Phước Bình nằm ở vị trí từ 11độ 58’32” đến 12 độ 10’00” vĩ độ Bắc. Từ 108 độ 41’00” đến 108 độ 49’05” kinh độ Đông, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Trong đó 80% diện tích rừng tự nhiên.Vườn quốc gia Phước Bình đại diện hệ sinh thái vùng núi cao của tỉnh, chứa đựng giá trị cao về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học với nhiều nguồn gen động, thực vật. Tiếp giáp với Vườn quốc gia Bi Doup – Núi Bà tạo thành khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng lớn. Diện tích rừng nguyên sinh ở đây chủ yêu là rừng Khộp, tổ thành của các loài thực vật thuộc họ Dầu Dipterocaparceae và rừng thường xanh giáp với vùng núi cao Lâm Đồng. Cùng với VQG Bidup Núi Bà nơi đây tạo ra 1 trong các vùng chim đặc trưng của Việt Nam. Với 327 loài, thuộc 94 họ, 28 bộ trong đó có 50 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam 2000, bao gồm: 23 loài thú, 14 loài chim, 13 loài bò sát và lưỡng cư và 29 loài nằm trong sách đỏ thế giới IUCN năm 2006 gồm: 14 loài thú, 12 loài chim. Còn thực vật ở đây thì ôi thôi …vô cùng phong phú theo thống kê chưa chính thức hiện nay Vườn có khoảng 2.025 loài, 156 họ, 584 chi.

1. Khoảng 60km đi từ Phan Rang chúng ta có cơ hội khám phá sự kỳ bí của Vườn quốc gia này với những đỉnh núi cao ngất đấy mây mù dăng khắp khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi.
Hình ảnh

2. Con đường vào Vườn ngoằn ngoèo, uốn lượn với hàng trăm những chiếc ổ voi hay những rãnh nước sâu do nhưng cơn mưa lớn tạo thành. Đây thật sự là một thử thách với những người thích lái xe địa hình offroad.
Hình ảnh

3. Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ lớn quí hiếm trải dài theo các dãy núi trùng điệp như bất tận một màu xanh.
Hình ảnh

4. Xe chúng tôi dừng lại ở một hẻm núi bên cạnh thác nước rất đẹp bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh và một dòng sông nhỏ đục ngàu sau những cơn mưa rừng, một bãi đá tuyệt đẹp trải dài dọc bờ sông thật lãng mạn cho những người đang yêu tình tự.
Hình ảnh

Hình ảnh

5. Cư dân đầu tiên của rừng xanh chảo đón tôi là một nàng Ô rô vảy Acanthosaura lepidogaster đang phơi nắng trên một cành cây khô giúp điều hoà thân nhiệt. Màu xanh của loài này là một vũ khí lợi hại để chúng tìm kiếm thức ăn và lẩn tránh kẻ thù.
Hình ảnh

6. Còn chàng Nhông hàng rào Calotes versicolor thì chuyển sắc màu từ vàng sang đỏ rực như đang khoe mẽ với cô nàng Nhông cái lẳng lơ bên dưới. Đe dọa kẻ thù và hấp dẫn bạn tình trong mùa giao phối bằng cách thay đổi màu sắc là tập tính thường thấy của động vật bò sát.
Hình ảnh

7. Trên cành cây cao anh chàng Khỉ đuôi lợn Macaca nemestrina đang thưởng thức bữa sáng ngon lành và nhìn tôi với ánh mắt dò xét và không một chút thân thiện của một ông chủ rừng vốn thường gây nhiều huyên náo.
Hình ảnh

8. Mặc dù đường xá hết sức khó đi và được bảo vệ tốt nhưng máu rừng vẫn chảy, Lâm tặc vẫn lén lút khai thác những loài cây gỗ quí, nhiều mảng lan Hài đặc hữu bị khai thác bán với giá vài ngàn đồng 1 kg nhưng giá trị của chúng hàng nhiều ngàn USD đối với những nhà sưu tập hoa Lan châu Âu hay Đài Loan. Đây vẫn là một bài toán nan giải đối với thiên nhiên Việt Nam không chỉ ở Phước Bình mà còn nhiều các vườn quốc gia khác. Hình ảnh hai đồng đội một thời vất vả chuyển những khúc gỗ quí bị khai thác trái phép bên dòng thác thơ mộng của rừng xanh đã nói lên tất cả.
Hình ảnh

9. Dưới cái nắng gay gắt chói chang những giọt mồ hôi (có khi cả máu) của các anh đang đổ xuống để giữ cho thiên nhiên hoang dã Việt Nam được tồn tại cho thế hệ mai sau. Xin nghiêng mình và gửi một lời chi ân để chia xẻ những khó khăn vất vả mà các anh đang gánh vác.
Hình ảnh

10. Nhiều cánh rừng vẫn bị đồng bào khai thác làm nương rẫy kiếm kế sinh nhai. Những chuỗi mắt xích sinh học của rừng mưa nhiệt đới của chúng ta đang bị đứt ra làm nhiều đoạn đe doạ tuyệt chủng rất nhiều loài sinh vật.
Hình ảnh

11. Sau bữa trưa với các đồng đội cũ chúng tôi lại tiếp tục khám phá một phần rất nhỏ của Phước Bình. Lang thang trong các lối mòn, vượt qua các vách dốc gần như thẳng đứng và lách mình qua những rừng cây gỗ lớn họ Dầu Dipterocarpaceae để tiến lên độ cao 1500m. Mọc chen khắp các lối đi là những thám cây bụi, dây leo rậm rạp nhưng chỉ một màu sắc khác biệt cũng làm cho tôi giật mình vì thực vật ở đây khác lạ.
Cuối cùng thì chuyện gì đến cũng phải đến, trong đám cây họ Gừng Zingiberaceae tôi đã nhận ra loài thực vật được đưa vào sách đỏ Việt nam cây Tai đất ấn Aeginetia indica. Loài thực vật này có tác dụng tăng cường sinh lực cho các quí ông và là loài hết sức kỳ lạ, chúng chỉ sống ký sinh trên cây họ Gừng và thường nở hoa vào đầu mùa mưa khi các hạt bám vào gốc cây gừng cộng sinh với một loài nấm.
Hình ảnh

12. Trên một nhánh dây leo thân gỗ là những bông hoa rực đỏ đôi vợ chồng nhà Hút mật bụng vàng Aethopyga goutdiae đang thưởng thức bữa chiều
Hình ảnh

13. Còn thân cây Giẻ già nua xù xì, bạc phếch trơ gan cùng tuế nguyệt là bông hoa lan lọng chuột Bulbophyllum putidum đỏ rực khoe sắc nhắm đánh lừa con đực của một loài côn trùng giúp chúng có cơ hội thụ phần và loài hoa này đúng là một kẻ lừa tình độc đáo trong thiên nhiên.
Hình ảnh

14. Bất chợt trong góc khuất của nhánh cây cao tít cây lan Lọng Bulbophyllum repens rất độc đáo (cho đến khi viết bài này tôi mới xác định được loài này chưa có trong danh lục thực vật Việt Nam và loài này chắc chắn sẽ sớm được công bố vùng phân bố trên một tạp chí hoa lan quốc tế). Tôi cảm nhật được sự phấn khích tột cùng với những nỗ lực của bản thân đã giúp tôi tìm ra những loài còn chưa có tên trong danh lục động thực vật rừng ở Việt Nam
Hình ảnh

15. Cơn mưa rừng kéo đến quá nhanh chúng tôi chỉ kịp lấy áo mưa ra che cho các thiết bị, máy ảnh và chịu trận dưới mưa. Sau hơn 1 giờ đồng hồ cơn mưa cũng tạnh các dòng suối cạn trở thành nhưng dòng nước sâu, chảy xiết không thể vượt qua. Ở độ cao 1500m chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi cho nước rút và ngắm nhìn những đám mây hơi nước bốc lên bao quanh những dãy núi hùng vĩ phía bên kia thung lũng
Hình ảnh

16. Cuối cùng bầu trời cũng xuất hiện những tia nắng mặt trời cuối ngày rực đỏ xuyên qua các tán lá trong khu rừng thường xanh như muốn xua tan bóng tối trước khi màn đêm lặng lẽ buông xuống. Lúc này đây trong không gian vắng lặng của núi rừng tôi mới thực sự cảm nhận được vẻ đẹp huyền bí của Vườn quốc gia non trẻ Phước Bình
Hình ảnh

17. Cầm chiếc ống nhóm 52x nhìn qua bên kia sườn núi, tôi lặng người ngắm nhìn đàn Bò tót Bos gaurus bình yên kiếm ăn trong ngôi nhà của chúng. Với 12 cá thể cả những con non, đây là lần đầu tiên trong đời làm khoa học tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh này ở Việt Nam. Chiếc ống kính tele 50-500mm của tôi không đủ sức để ghi lại khoảnh khắc có một không hai trong đời.
Chúng tôi quyết định cắt rừng, vượt suối thật nhanh tiến sát đến khu vực đang kiếm ăn của đàn Bó tót. Nhưng có lẽ do đi ngược hướng gió nên chúng nhận ra mùi lạ thế là cả bầy từ từ tản ra tiến vào rừng rậm và chỉ còn lại con bò đực đầu đàn đang ngước mũi đánh hơi.
Hình ảnh

Hình ảnh

18. Bóng tối lại bao trùm trên đường trở về Trạm kiểm lâm của Vườn quốc gia Phước Bình. Trên con đường mòn tôi chợt nhận ra hoàng hôn nơi đây có vẻ đẹp cuốn hút lạ thường. Có thể do nghề nghiệp nên với tôi rừng không là “rừng thiêng nước độc” mà rừng là một cảm giác an toàn, là bình yên, là nơi chung sống của hàng nhiều ngàn loài sinh vật “kể cả con người”. Phải chăng “một trong những quan niệm mang tính đạo đức là mỗi loài sinh ra đều có quyền tồn tại. Con người hoàn toàn không có quyền tiêu diệt các loài mà ngược lại phải nỗ lực hành động nhằm hạn chế tối đa sự tuyệt chủng của chúng”.
Hình ảnh

Còn rất nhiều điều muốn viết về Vườn quốc gia non trẻ này, về những phong cảnh, những loài sinh vật quí hiếm và cuộc sống của người đồng bào Đắc Giây đang tồn tại nơi đây, về phong tục, tập quán, hình ảnh đời thường, về những khó khăn mà người dân vùng sâu vùng xa Phước Bình cần được quan tâm... Nhưng những vấn đề lớn lao hơn ấy tôi xin chuyển tải vào một thời gian rất gần. Hy vọng !

Chào nhé Vườn quốc gia non trẻ Phước Bình tôi sẽ còn quay lại vào một ngày gần nhất để khám phá thêm những loài mới làm tô đẹp thêm sự phong phú của thiên nhiên hoang dã Việt Nam.

_________________
Hãy là chiếc chìa khoá
Mở kho tàng nhân gian
Gom hết hoa và cỏ
Lên gánh đời thênh thang ...


Thứ 2 Tháng 5 24, 2010 9:30 pm
Xem thông tin cá nhân Tài khoản Yahoo Ghé thăm website của người gửi

Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 6 05, 2010 9:28 am
Bài viết: 5
Gửi bài 
Cháu thích nhất là hình chú bò rừng nhìn oai thiệt! Mong rằng các chú kiểm lâm ở đây làm việc tốt và hiệu quả, chứ không khéo thì mấy người săn trộm biết tin mò đến thì tiêu :(


Thứ 7 Tháng 6 05, 2010 12:36 pm
Xem thông tin cá nhân

Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 7 21, 2010 6:37 pm
Bài viết: 3
Đến từ: Hà Nội
Gửi bài 
ảnh chụp thiên nhiên của anh Trung thật tuyêt. Mong anh chia sẻ vài kinh nghiệm chụp ảnh giúp em với

_________________
Mỹ nhân làm mềm ý chí nhưng làm cứng thân thể!


Thứ 4 Tháng 7 21, 2010 7:31 pm
Xem thông tin cá nhân Ghé thăm website của người gửi
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 3 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010