Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Rắn hổ mang thường
Tên Latin: Naja naja
Họ: Rắn hổ Elapidae
Bộ: Có vảy Squamata 
Lớp (nhóm): Bò sát  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    RẮN HỔ MANG

RẮN HỔ MANG THƯỞNG

Naja naja (Linnaeus, 1758)

Coluber naja Linnaeus, 1758

Naia naia Bourret, 1936

Naja tripudians Merrem, 1920.

Họ: Rắn hổ Elapidae

Bộ: Có vảy Squamata

Đặc điểm nhận dạng:

Là rắn độc cỡ lớn, dài trung bình khoảng 1m trở lên, có thể dài tới 2m. Đầu rộng và hơi dẹp, không phân biệt với cổ, có một đôi móc độc mọc ở phía trước hàm trên, có thể dựng lên được. Lưng có màu vàng lục, nâu thẫm hay đen hoặc đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu. Hoa văn ở cổ có hai dạng, nhìn rõ khi Rắn hổ mang bạnh cổ, cổ bao giờ cũng bạnh theo chiều ngang, sang hai bên. Loài này hình thái bên ngoài khá giống với Rắn hô mang một mắt kinh Naja kaouthia. Dựa vào hình thái ngoài, nhất là dựa vào hoa văn ở mặt, cổ, phần lưng đặc biệt là khi rắn bạnh cổ, có thể chia rắn hổ mang thường thành hai phân loài: Phân loài rắn hổ mang trung quốc Naja naja astra và Rắn hổ mang một mắt kính có gọng Naja naja naja. Khi rắn bạnh cổ, trên cổ ở mặt lưng có một vòng tròn màu sáng (mắt kính), ở hai bên có 2 dải màu trắng (gọng kính). Chính giữa “mắt kính” có một vết màu nâu đen. Một hoặc cả hai “gọng kính” có thể bị tiêu giảm nhiều hoặc ít. Mặt bụng phần cổ có một dải rộng sẫm màu nằm ngang. Lưng thường có màu nâu sẫm hay vàng lục thường có những vạch ngang nhỏ hơi sáng.

Sinh học, sinh thái:

Rắn hổ mang thường hay sống ẩn trong hang chuột, hang mối ở đồng ruộng, làng mạc, vườn tược, bờ đê, gò đống, dưới gốc cây trong bụi tre. Trong nhiều trường hợp chúng bò vào hang chuột, ăn chuột rồi chiếm lấy hang. Kiếm ăn vào ban đêm, ăn chủ yếu chuột song ăn cả rắn thằn lằn, cóc và ếch. Rắn non chủ yếu ăn ếch nhái. ở Bắc Việt Nam Rắn hổ mang thường hay Rắn hổ mang có gọng kính lột xác quanh năm, nhiều nhất vào tháng 8 và các tháng trong mùa trú đông (tháng 12, 1, 2) giao phối vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, đẻ trứng vào tháng 6 tháng 7 (chủ yếu vào tháng 6) từ 6 - 20 trứng/lứa. Rắn mẹ quấn lấy trứng để bảo vệ. Trứng nở vào tháng 8 sau 50 - 57 ngày. Con sơ sinh dài từ 250 - 270mm đã có khả năng bạnh cổ, cắn chết người. Rắn non thường dữ hơn rắn trưởng thành. Lượng nọc độc tối thiểu làm chết người là 15mg.

Phân bố:

Trong nước: Phân bố rộng rãi ở đồng bằng, trung du, miền núi. Có nhiều ở miền Bắc Việt Nam có thể kéo dài về phía Nam đến Quảng Bình, Quảng Trị. Từ Đà Nẵng trở vào, Rắn hổ mang trung quốc đã trở nên vô cùng ít.

Thế giới: Nam Trung Quốc, Lào.

Giá trị:

Có giá trị khoa học từ nọc rắn để chữa các bệnh về xương khớp. Có giá trị bảo vệ thực vật (diệt chuột) bảo vệ mùa màng.

Tình trạng:

Rắn hổ mang có sự suy giảm quần thể ít nhất 50% cùng với sự suy giảm nơi cư trú, chất lượng nơi sinh cư trong quá khứ và hiện tại do sự khai thác môi trường mở rộng đô thị, đường xá, săn bắt triệt để, buôn bán trái phép.

Phân hạng: EN A1c,d.

Biện pháp bảo vệ:

Rắn hổ mang đã được xếp vào Danh lục CITES, phụ lục II. Bổ sung Nghị định 32/HĐBT, nhóm II B (động vật rừng). Cần thực hiện triệt để việc cấm săn bắt, sử dụng, buôn bán. Thành lập các trại nuôi tập thể, khuyến khích nuôi gia đình ở những làng nghề bắt rắn truyền thống.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần động vật - trang 246.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Rắn hổ mang thường

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này