Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Rắn ráo thường
Tên Latin: Ptyas korros
Họ: Rắn nước Colubridae
Bộ: Có vảy Squamata 
Lớp (nhóm): Bò sát  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    RẮN RÁO THƯỜNG

RẮN RÁO THƯỜNG

Ptyas korros (Schlegel, 1837)

Coluber korros Schlegel, (1837)

Zamenis korros Bourret, (1890).

Họ: Rắn nước Colubridae

Bộ Có vảy Squamata

Đặc điểm nhận dạng:

Rắn lành có chiều dài cơ thể khoảng 2m. Đầu rắn thuôn dài, phân biệt rõ với cổ. Mắt rất to, đường kính mắt bằng hoặc lớn hơn chiều dài từ lỗ mũi đến mắt. Đuôi dài, ít nhất chiếm 30% chiều dài toàn thân. Mặt lưng có màu xanh xám, ở phía sau cơ thể chuyển sang màu nâu nhạt với những vẩy thân có viền đen ngày càng rõ hơn. ở phần trước của mặt bụng có màu vàng tươi, phần sau có màu trắng hay vàng nhạt. Cá thể cái có thân mảnh hơn, thân và đuôi ngắn hơn, đầu hẹp và mõm ngắn hơn, mắt nhỏ hơn, gốc đuôi thuôn dài và chóp đuôi tù.

Sinh học, sinh thái:

Là loài rắn lành sống trên cạn, song bò, leo cây và bơi lội tốt. Chúng ưa sống trong các bụi cây tre quanh làng, hay trong đồng ruộng, trong các bụi cây, bụi rậm gần nước, trong vườn cây gia đình. Nhiều trường hợp chúng đột nhập cả vào nhà dân, leo trên xà nhà để bắt chuột. Kiếm ăn chủ yếu vào ban ngày, ở miền Nam có thể cả ban ngày lẫn ban đêm. Con mồi chủ yếu là chuột, chim non, trứng chim, thạch sùng, thằn lằn bóng, ếch nhái. Mồi chủ yếu là chuột và ếch nhái. Sau khi nuốt mồi, chúng thường nằm trên các cành cây cao hoặc trong bụi rậm để tiêu hoá thức ăn. Thời kỳ sinh sản từ tháng 3 - 6 (thường vào tháng 5).

Giao phối tập thể, sau khi giao hoan, 4 cá thể đực cuốn lấy 2 cá thể cái làm thành một búi, sau 20 phút, cá thể đực phóng tinh, song vẫn ở trạng thái cuộn vào nhau, từ 2 đến 7 giờ. Cá thể cái mang trứng khoảng gần 80 ngày. Thường đẻ trứng vào tháng 7 (từ tháng 6 - 8). Mỗi lứa từ 2 - 6 trứng. Thời gian trứng nở 56 - 58 ngày. Rắn non mới nở dài trung bình 243mm, nặng trung bình 43g. Về mùa đông rắn trú đông trong hang chuột hoặc mối. Chúng lột xác trong mùa hoạt động từ tháng 3 - 11.

Phân bố:

Trong nước: Phân bố ở hầu hết các tỉnh ở đồng bằng, trung du và miền núi từ Bắc vào Nam.

Thế giới: Ấn Độ, Bănglađét, Nam Trung Quốc, Mianma, Lào, Thái Lan, Cămpuchia, Malaixia, Xingapo, Indonesia.

Giá trị:

Có giá trị khoa học và thẩm mỹ. Là đối tượng nghiên cứu khoa học và giúp cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Tuy nhiên loài rắn này cũng có giá trị kinh tế nếu nhân nuôi.

Tình trạng:

Có sự suy giảm quần thể ít nhất 50%, cộng với sự suy giảm nơi cư trú, chất lượng nơi sinh cư trong quá khứ và hiện tại, do sự khai thác môi trường, mở rộng đô thị, đường xá, săn bắt triệt để, buôn bán trái phép.

Phân hạng: EN A1c,d

Biện pháp bảo vệ:

Đã được xếp vào bổ sung Nghị định 32/HĐBT, nhóm IIB (động vật rừng). Cần thực hiện triệt để việc cấm săn bắt, sử dụng, buôn bán. Nên thành lập các trại nuôi tập thể, khuyến khích nuôi gia đình ở những làng có nghề bắt rắn truyền thống.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 243.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Rắn ráo thường

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này