Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Trĩ đỏ
Tên Latin: Phasianus colchicus
Họ: Trĩ Phasianidae
Bộ: Gà Galliformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    TRĨ ĐỎ

TRĨ ĐỎ

Phasianus colchicus Linnaeus, 1758

Họ: Trĩ Phasianidae

Bộ: Gà Galliformes

Đặc điểm nhận dạng:

Có 2 phân loài: Trĩ đỏ khoang cổ Phasianus colchicus takatsukasae Delacour, 1927 và Trĩ đỏ Phasianus colchicus rothschildi La touche, 1921.

Con đực trưởng thành da trần quanh mặt màu đỏ tươi. Đỉnh đầu có mào lông ngắn, gáy nâu ánh xanh. Trán, dải hẹp trên mắt, cằm, họng, cổ và trước cổ đen ánh xanh lục hoặc tím ( tuỳ góc nhìn). Dưới cổ có vòng trắng ở phân loài Phasianus colchicus takasukasae và không có ở phân loài Phasianus colchicus rothschild. Các phần còn lại của cơ thể nhìn chung có màu nâu hung đỏ và nâu vàng với các vằn hung nâu nhạt và chấm đen xen kẽ không đều. Phần dưới cơ thể có màu tối hơn, đặc biệt là ở ngực. Con cái trưởng thành nhìn chung ở cả hai phân loài bộ lông màu nâu điểm các chấm đen. Mắt nâu đỏ mỏ và chân xám sừng.

Sinh học, sinh thái:

Chưa rõ. Theo một số thợ săn ở Cao Bằng và Lạng Sơn thì mùa sinh sản của Trĩ đỏ từ tháng 2 - 7, đôi khi kéo dài sang tháng 8. Thường đẻ trứng vào tháng 2 - 3, hay làm tổ ở các đồi cỏ tranh, đồi guột. Mỗi lứa đẻ 5 trứng hình bầu dục, có đầu to và đầu nhỏ, vỏ trứng màu hung nhạt. Thường gặp chim non rời tổ vào tháng 7 có khi gặp vào tháng 8. Phân loài trĩ đỏ khoang cổ nuôi ở Vườn thú Hà Nội có mùa sinh sản từ tháng 4 - 6, mỗi lứa đẻ 7 - 8 trứng, hình bầu dục một đầu to một đầu nhỏ, vỏ xám ngà. Thời gian ấp là 23 - 24 ngày (Số liệu của Vườn thú Hà Nội, 1998-2002).

Thức ăn của Trĩ đỏ là ngũ cốc, hạt cỏ dại và côn trùng. Con cái bắt được ngày 15 tháng 6 năm 1965 đang thay lông ở giai đoạn đầu.

Trĩ đỏ sống đôi hay đàn nhỏ 3 - 5 con; nơi ở thích hợp là vùng đồi núi thấp có độ cao khoảng 800 - 1500m, nơi có nhiều cây guột tốt, cỏ tranh và cây bụi nhỏ hay rừng thông nơi vắng vẻ nhưng không xa vùng nương rẫy, không bao giờ gặp ở rừng sâu và rậm rạp.

Phân bố

Trong nước: Phân loài Phasianus colchicus takatsukasae gặp ở Cao Bằng, Lạng Sơn và phân loài Phasianus colchicus rothschildi gặp ở Lào Cai, Yên Bái và Bắc Kạn.

Thế giới: Phân loài Phasianus colchicus takatsukasae gặp ở phía nam Trung Quốc (Quảng Tây). Phân loài Phasianus colchicus rothschildi gặp ở đông nam Trung Quốc (đông nam tỉnh Vân Nam), Đông Bắc và Tây bắc Việt Nam.

Giá trị: Quý hiếm, bộ lông có nhiều màu sắc, là loài chim cảnh đẹp, hấp dẫn và có giá trị khoa học, thực phẩm, thương mại. Cho nên từ lâu chúng đã được nuôi ở nhiều nước  Châu Á và châu Âu.

Tình trạng:

Nạn phá rừng bừa bãi đã làm mất nơi trú ngụ, khu phân bố bị thu hẹp nhanh và bị săn bắt quá mức, do đó số lượng cá thể bị giảm sút nghiêm trọng, hiện nay rất hiếm.

Phân hạng: EN B1 + 2a, b, d C2a.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000). Việc bảo vệ hiệu quả chưa cao, sự phục hồi số lượng chậm. Cần tăng cường tuyên truyền giáo dục nhân dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ hữu hiệu hơn. Nên tiếp tục xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật cho Khu bảo tồn thiên nhiên Phia - Oắc để có thể nhanh chóng được thành lập khu bảo tồn này, nhằm bảo vệ loài Trĩ đỏ thuộc phân loài (Phasianus colchicus takatsukasae) cùng với nhiều loài thú và chim quý khác.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Trĩ đỏ

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này