Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá ngựa bắc
Tên Latin: Tor brevifilis
Họ: Cá chép Cyprinidae
Bộ: Cá chép Cypriniformes 
Lớp (nhóm): Cá biển  
       
 Hình: Herbert R. Axelrod  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÁ NGỰA BẮC

CÁ NGỰA BẮC

Tor brevifilis (Peters, 1880)

Barbus brevifilis Rendahl, 1928

Barbus szechugnensis Tchang, 1931

Labeobarbus brevifilis Lin, 1933

Tor (Folifer) brevifilis Hao & Van, 2001.

Họ: Cá chép Cyprinidae

Bộ: Cá chép Cypriniformes

Đặc điểm nhận dạng:

Thân khá dày, thon dài và dẹp bên. Đầu dài. Mõm nhọn. Có 2 đôi râu nhỏ và ngắn. Mắt lớn nằm chếch phía trên của đầu. Khoảng cách 2 mắt rộng. Đỉnh đầu hơi lồi nhẵn. Vây lưng có khởi điểm trước khởi điểm vây bụng, tia đơn cuối hoá xương cứng, phía sau có răng cưa. Vây đuôi phân thuỳ sâu. Hậu môn ở ngay sát vây hậu môn. Vảy vừa phải. Đường bên hoàn toàn hơi cong về phía bụng, phía sau ở giữa cán đuôi. Lưng màu xám đen, bụng màu trắng, các vây màu xám.

Sinh học, sinh thái:

Cá sống ở tầng giữa các sông suối có nước trong và chảy mạnh. Cá bơi lội hoạt bát, khoẻ mạnh, thường lách qua các kẽ đá, dùng miệng hình loe co duỗi tự nhiên để đớp thức ăn trên mặt các tảng đá. Thức ăn của cá chủ yếu là các động vật thân mềm. Trong ống tiêu hoá có các động vật thân mềm như ốc trai, hến và côn trùng, ấu trùng, giun ít tơ, tảo và mảnh vụn hữu cơ. Cá có kích thước khá lớn cỡ lớn nhất đạt 6 - 7kg, thường đánh bắt được cỡ 0,5 - 1,6kg. Cá lớn nhanh, 1 tuổi dài 19cm, 2 tuổi dài 29cm, 3 tuổi dài 40cm. Cá ngựa bắc thành thục khi 2 tuổi, chiều dài 31,5cm. Mùa sinh sản của cá vào tháng 2 - 4 hoặc tháng 5 - 6. Sức sinh sản lớn, cá dài 45cm, nặng 900g, có tuyến sinh dục ở giai đoạn IV nặng 50g, chứa 71.800 trứng. Trứng có màu hơi xanh đường kính không đều. Cá đẻ nơi nước chảy xiết, đáy nhiều sỏi đá.

Phân bố:

Trong nước: Các sông suối miền núi phía Bắc: Lào Cai, Yên Bái (sông Thao, sông Chảy), Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ (sông Lô-Gâm), Cao Bằng, Lạng Sơn (sông Kỳ Cùng), Bắc Kạn (Na Rì) Thái Nguyên (sông Cầu), Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình (sông Đà), Thanh Hoá (sông Mã), Nghệ An (sông Lam).

Thế giới: Trung Quốc (Hồng Kông, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông và Vân Nam).

Giá trị:

Loài này đặc trưng cho khu hệ cá vùng núi phía Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Cá có kích thước lớn, có thể nhân giống nuôi thương phẩm..

Tình trạng:

Nơi sinh sống giảm trên 20% do đắp đập hình thành các hồ chứa. Nhiều sông suối bị lũ ống, lũ quét xảy ra liên tục nên vùng sinh thái, nơi ở và bãi đẻ của cá bị đảo lộn. Mặt khác do thịt cá ngon, giá bán cao nên bị săn lùng quá mức; đặc biệt là khai thác cá trên bãi đẻ trong mùa sinh sản. Sản lượng Cá ngựa bắc ở tự nhiên ngày càng giảm sút nghiêm trọng cần được bảo vệ.

Phân hạng: VU A1a,c,d B1a,b,c.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996. Tuy nhiên các biện pháp bảo vệ vẫn chưa được thực hiện ở cơ sở. Cần giảm cường độ khai thác, không đánh bắt cá trong mùa vụ sinh sản, chống ô nhiễm các khu vực cư trú quan trọng của loài. Nghiên cứu khoanh vùng các bãi đẻ, các vùng cư trú quan trọng để có biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Nghiên cứu việc tái tạo giống giúp bổ sung, phục hồi nguồn lợi tự nhiên.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá ngựa bắc

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này