Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU CÔN TRÙNG RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Bướm giáp ngọc chót râu đen
Tên Latin: Lexias dirtea
Họ: Bướm giáp Nymphalidae
Bộ: Cánh vẩy Lepidoptera 
Lớp (nhóm): Bướm ngày  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    BƯỚM GIÁP NGỌC CHÓT RÂU ĐEN

BƯỚM GIÁP NGỌC CHÓT RÂU ĐEN

Lexias dirtea (Fabricius, 1793)

Papilio dirtea Fabricius, 1793

Họ: Bướm giáp Nymphalidae

Bộ: Cánh vẩy Lepidoptera

Đặc điểm nhận dạng:

Giống Lexias trước kia được xếp vào giống Euthalia. Lexias dirtea là một trong những loài có kích thước lớn trong họ Bướm giáp Nymphalidae. Con đực và cái khác nhau, là loài dị hình. Con đực có mặt trên cánh đẹp một cách khỏe khoắn và khiêm tốn: gần mép và mép ngoài cánh trước màu đen xanh lục; nửa ngoài và mép ngoài cánh sau xanh dương với một hàng chấm gần mép và mép màu đen ánh xanh lục nhạt. Phần còn lại về phía gốc cánh trước và sau có màu đen với các chấm nhỏ cam đỏ, trắng rải thưa thớt dọc theo mép trên cánh. Con cái lớn hơn con đực có màu nền đen với các dải chấm nhiều màu sắc rải đều theo nhiều hàng lối trên cả 4 cánh, khi nhìn vào có cảm giác như các chuỗi hạt ngọc lung linh. Cả con đực và cái thuộc loài này rất giống với một loài khác là Bướm Giáp ngọc lớn chót râu cam đỏ đen Lexias pardalis. Hai loài này cũng phân bố chung ở một số khu vực nên khó phân biệt bằng cách quan sát. Đặc điểm đáng tin cậy nhất để phân biệt hai loài là chót râu phía ngoài của loài Lexias dirtea màu sậm gần như đen, trong khi đó ở Lexias pardalis là màu cam đỏ. Nửa ngoài cánh trước con cái L.dirtea có những đốm trắng to được bài trí gần với mép trên của cánh. Ở con đực Lexias dirtea và con đực cũng như con cái của loài Lexias pardalis không có các đốm trắng lớn như vậy ở cánh trước mà chỉ có những chấm nhỏ đều nhau màu trắng ngà hoặc vàng sáng. Sải cánh: 80 -105mm.

Sinh học, sinh thái:

Các loài trong giống Lexias sp.phần lớn sống dưới tán rừng, hầu như không thấy bay ra các trảng trống. Cả con đực lẫn con cái đều thích hút dịch của các loại trái cây chín rữa. Chúng thuộc nhóm bướm cảnh giác, khó lại gần để quan sát. Con cái khi phát hiện người ở gần thường bay vào mép rừng dưới gốc cây lớn. Nếu người quan sát tiếp tục đi theo, nó không bay mất hẳn mà thường bay ra xa từng đoạn ngắn, len lỏi giữa các gốc cây. Con đực khi thấy người cũng bay vào dưới tán cây rừng, nhưng cũng có lúc nó bay ra xa dọc theo đường mòn. Chúng thích sống ở rừng nguyên sinh nơi có những trảng trống trên độ cao tới 4000 fit. Một loài khác cũng có thể gặp chung với Lexias dirtea ở miền Nam là Bướm Giáp đen lớn chấm trắng Lexias albo-punctata. Con đực màu đen với hai chấm trắng rất rõ ở gần chót cánh. Con cái kích thước rất lớn, trông tương tự như con cái của hai loài trên, nhưng các vệt sáng màu ở cánh sau ngả sang xanh tím, cánh trước có các đốm màu trắng chứ không hơi vàng như hai loài kia. Sải cánh: 80 - 105mm.

Phân bố:

Mianma, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Phân bố toàn Việt Nam.

Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:

Là loài phân bố rộng nhưng không dễ gặp. Chúng có thể dùng làm sinh vật chỉ thị cho rừng nguyên sinh còn tốt ở đó có nhiều lá, quả cây rụng trên nền đất ẩm ướt dưới tán rừng là nơi sống và điều kiện thích hợp nhất với chúng

 

Mô tả loài: Vũ văn Liên - Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Bướm giáp ngọc chót râu đen

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này