Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU CÔN TRÙNG RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Bướm phượng lớn
Tên Latin: Papilio memnon
Họ: Bướm phượng Papilionidae
Bộ: Cánh vẩy Lepidoptera 
Lớp (nhóm): Bướm ngày  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    New Page 1

BƯỚM PHƯỢNG LỚN

Papilio memnon Linnaeus, 1758

Họ: Bướm phượng Papilionidae

Bộ: Cánh vẩy Lepidoptera

Đặc điểm nhận dạng:

Một trong những loài bướm Phượng phổ biến và có kích thước rất lớn và là loài lưỡng hình. Mặt trên con đực có màu đen xanh dương sậm, mặt dưới ở phần gốc cánh trước và cánh sau có màu đỏ. Con cái có vài dạng khác nhau, một số con có đuôi, kiểu màu sắc bắt chước loài Pachliopta aristolochiae, tương tự con cái loài Papilio polytes nhưng lớn hơn rất nhiều. Mặt trên của con cái ở phần gốc cánh trước có màu đỏ, cánh sau có những mảng lớn màu trắng, không có đuôi ở cuối mép trong có màu đỏ da cam; ở con có đuôi có màu da cam chạy từ cuối mép trong đến hết mép ngoài cánh. Tên bướm được đặt theo kích thước lớn của cơ thể. Sải cánh 120-150 mm. Con đực có kích thước và màu sắc gần giống loài Bướm phượng xanh lớn Papilio protenor.

Sinh học sinh thái:

Có thể gặp ở những khu vực ngoại vi của các thành phố, nơi có vườn bưởi, một trong những loài cây chủ chính của loài này. Ở thành phố, thường chỉ gặp từng con đực đơn lẻ, thường bay khá nhanh, với mức độ dao động của đường bay lên xuống rất rộng, hoặc con cái bay chậm gần nơi có cây chủ. Ở trong rừng, thường gặp với nhiều con đực chung với loài Papilio protenor, tập trung ở những chỗ có chất khoáng. Điểm khác biệt để dễ nhận thấy nhất ở con đực là mặt dưới, phần gốc cánh của Papilio protenor không có các đốm đỏ. Có thể gặp ở những nơi trống trải bên ngoài các khu vườn trang trại trồng cam, ở đây có những loài cây làm thức ăn chính cho sâu non. Sâu non còn ăn lá các loài thuộc chi Hồng bì và Quất ... (tất cả thuộc họ Cam Rutaceae)

Phân bố:

Phân bố từ Đông Bắc Ấn Độ qua Trung Quốc đến Đài  Loan và Nam Nhật Bản; phía Nam qua vùng Đông Dương đến quần đảo San-đa. Loài này phổ biến khắp nơi ở Việt Nam, riêng bướm cái có số lượng ít hơn.

Giá trị, tình trạng và biện pháp bảo vệ:

Là loài bướm Phượng lớn, to, đẹp và có ý nghĩa trong phân loại học và đa dạng sinh học vì có đặc tính lưỡng hình giữa con đực và con cái, thậm chí giữa những con cái với nhau. Một bộ sưu tập bướm sẽ hoành tráng và rực rỡ hơn nếu tiêu bản của loài này được đặt trong bộ sưu tập đó. Mặc dù sự phân bố của loài rộng nhưng hiện nay để gặp được loài này ở một nơi nào đó cũng không phải là dễ dàng. Do đó, biện pháp bảo tồn chúng tốt nhất là hạn chế thu bắt và nên nhân nuôi loài này ở trang trại.

 

Mô tả loài: Vũ văn Liên - Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

 

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Bướm phượng lớn

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này