Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Thông đỏ bắc
Tên Latin: Taxus chinensis
Họ: Thủy tùng Taxaceae
Bộ: Thủy tùng Taxales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    THÔNG ĐỎ BẮC

THÔNG ĐỎ BẮC

Taxus chinensis ( Pilg.) Rehd, 1919

Taxus baccata var. chinensis Pilg., 1903

Taxus cuspidata var. chinensis (Pilg.) C.K.Schneid., 1913

Taxus sumatrana subsp. chinensis (Pilg.) Silba, 2010

Taxus wallichiana var. chinensis (Pilg.) Florin, 1948
Họ: Thủy tùng Taxaceae

Bộ: Thủy tùng Taxales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ, cao 5 - 20 m, đường kính đạt tới 80 cm, thường xanh; vỏ màu nâu sẫm, nứt dọc. Lá mọc xoắn ốc, xếp thành hai dãy do gốc lá bị vặn, hình dải, hơi cong, dài 1,5 - 2 cm, rộng 2 - 3 mm. Cây khác gốc. Nón đực hình chuỳ, mọc đơn độc ở nách lá. Nón cái mọc đơn độc trên đỉnh cành ngắn tại một bên của trục hoa, gốc đỡ bởi vỏ hạt giả. Hạt hình tròn hoặc trứng, dẹt; nằm trong vỏ hạt giả khi chín mọng nước màu đỏ tươi, dài khoảng 5 mm, đầu hơi có hai gờ, rốn hạt tròn. Loài này phân biệt với Thông đỏ (Taxus wallichiana) bởi lá ngắn không vượt quá 2 cm, và không cong hình chữ S.

Sinh học, sinh thái:

Nón cái xuất hiện vào tháng 4, hạt chín vào tháng 8 - 10. Tái sinh bằng hạt hoặc giâm cành. Cây trung sinh và ư­a sáng, mọc trên núi đá vôi ở độ cao khoảng 800 - 1200 m, rải rác trong rừng rậm th­ường xanh cây lá rộng ở phần sườn gần đỉnh và cả trong quần xã đơn ưu Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia W. C. Cheng & L. K. Fu) ở đường đỉnh.

Phân bố:

Trong nước: Sơn La (Yên Châu: Muờng Lựm), Lào Cai (Văn Bàn), Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ), Cao Bằng (Bảo Lạc, Trà Lĩnh), Hoà Bình (Mai Châu: Pà Cò; Đà Bắc), Thanh Hoá (Bá Thước: Cổ Lũng).

Nước ngoài: Nam Trung Quốc, trong đó có 2 tỉnh giáp giới với Việt Nam là Vân Nam và Quảng Tây.

Giá trị:

Loài thuộc yếu tố Đông Á. Gỗ màu hồng thẫm, thớ mịn, chịu nước, dùng trong xây dựng; vỏ cây đang được nghiên cứu dùng làm thuốc.

Tình trạng:

Loài phân bố không rộng và cũng bị đe doạ như các loài Thông khác do con người khai thác gỗ để sử dụng và môi trường núi đá vôi bị xâm hại.

Phân hạng: VU A1a,c, B1+ 2b,c

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “hiếm” (Bậc R) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cần được bảo vệ tại các điểm phân bố, đặc biệt trong các Khu bảo tồn thiên nhiên Pà Cò - Hang Kia, Bát Đại Sơn, Pù Luông. Nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng, trước mắt nên trồng trong một số khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia có điều kiện sinh thái thích hợp phục vụ cho bảo tồn nguồn gen.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 528.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Thông đỏ bắc

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này