Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Du sam núi đất
Tên Latin: Keteleeria evelyniana
Họ: Thông Pinaceae
Bộ: Thông Pinales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
   

DU SAM NÚI ĐẤT

Keteleeria evelyniana Mast., 1903

Keteleeria dopiana Flous, 1936

Keteleeria roulletii (Chev.) Flous, 1936

Keteleeria hainanensis Chun & Tsiang, 1963

Họ: Thông Pinaceae

Bộ: Thông Pinales

Đặc điểm nhận dạng:                                 

Cây gỗ, cao đến 35 m, đường kính ngang ngực đến 0,6 - 0,8 m hay hơn, vỏ thân màu nâu đỏ hay nâu nhạt. Tán hình nón hẹp, cành non có lông, khi già nhẵn, chồi hình trứng có lông hay nhẵn. Lá mọc xoắn ốc, nhưng do gốc vặn nên xếp ít nhiều thành hai dãy, chụm lại ở đầu cành, hình dải thẳng, dài 3 - 6 cm, rộng 0,2 - 0,4 cm (ở cành non kích thước lá lớn hơn), tròn hay có mũi nhọn ở đỉnh. Nón cái mọc đơn độc ở đầu cành, dựng đứng, khi trưởng thành hình trụ, dài 12 đến 20 cm, đường kính 3 - 6 cm. Vẩy hình trứng thuôn, mỏng, mặt trong có nhiều khía dọc rõ rệt. Lá vẩy ngắn, hình thìa, có mũi nhọn ở đỉnh, hơi lộ ở mặt lưng của vẩy. Hạt 2 ở mỗi vẩy, hình thuôn - tam giác, dài 9 - 14 mm, rộng 7 mm, mặt trong có vài túi nhựa, mang một cánh ở đầu; dài 2 - 2,2 cm, rộng 1,2 - 1,5 cm, gốc rộng và thót dần về đỉnh, khi chín hơi thò ra khỏi vẩy.

Sinh học, sinh thái:

Nón xuất hiện tháng 5 - 6, hạt chín tháng 10 - 2 (năm sau). Tái sinh từ hạt bình thường. Mọc ở phần sườn núi gần đỉnh, ở độ cao 500 - 1.600 m, rất rải rác trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh cây lá rộng hoặc rừng hỗn giao cây lá rộng và lá kim.

Phân bố:

Trong nước: Lai Châu (đèo Pha Đin), Sơn La (Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã), Hoà Bình (Đà Bắc), Hà Tĩnh (Hương Sơn: Rào àn), Thừa Thiên - Huế (Phú Lộc: Bạch Mã), Kontum (Ngọc Linh), Lâm Đồng (Lang Bian, Đơn Dương, Bidoup).

Nước ngoài: Trung Quốc, Lào.

Giá trị:

Gỗ vàng nhạt khá cứng, ít bị mối mọt, dùng trong xây dựng, làm đồ gỗ, làm cầu hay sản xuất bột giấy.

Tình trạng:

Loài phân bố rộng nhưng mọc khá rải rác, khả năng bị đe doạ khá lớn do bị khai thác lấy gỗ và môi trường sống bị phá hủy.

Phân hạng: VU A1a,c,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (Bậc V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cần bảo vệ nguyên vẹn tại các Vườn quốc gia Bì Đúp - Núi Bà và Bạch Mã. Nghiên cứu trồng lấy gỗ hay làm cảnh trong các vùng sinh thái thích hợp nhằm mục đích bảo tồn ngoại vi (Ex - situ).

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 523.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Du sam núi đất

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này