Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Ngải rọm
Tên Latin: Tacca integrifolia
Họ: Râu hùm Taccaceae
Bộ: Râu hùm Taccales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Sách đỏ Việt Nam  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    NGẢI RỢM

NGẢI RỢM

Tacca integrifolia Ker - Gawl. 1812.

Tacca laevis Roxb. 1832.

Họ: Râu hùm Taccaceae

Bộ: Râu hùm Taccales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây thảo, sống nhiều năm, cao 20 - 45 cm. Thân rễ hình trụ hơi cong, đường kính 1,5 - 2,5 cm, nạc. Nhiều rễ chùm. Lá có cuống, mọc tập trung gồm 3 - 5 cái ở đầu thân rễ; cuống lá có bẹ, dài 5 - 10 cm. Phiến lá thuôn hoặc hình mác thuôn, 2 đầu nhọn, nhưng mép gốc lá không men theo cuống; 15 - 35 cm. Cụm hoa dạng tán, có cuống, mọc ở kẽ lá gần ngọn; cuống dài 15 - 20 cm, ít khi vượt khỏi tán lá. Hoa màu nâu tím, gồm 5 - 15 cái, có cuống dài 0,3 - 0,5 cm. Tổng bao gồm 4 lá bắc xếp đối chữ thập; 2 cái ngoài hình thuyền; 2 cái trong to hơn, hình mác rộng. Xen kẽ giữa các hoa còn các lá bắc con dạng sợi, dài 5 - 10 cm. Hoa có 3 lá đài hình bầu dục, nhỏ và 3 cánh hoa hình trứng ngược. Nhị 6. Bầu dưới; vòi nhuỵ ngắn, đầu chia thuỳ. Quả thịt, dạng gần hình thoi cụt, dài 1,5 - 2,5 cm, đường kính 1,3 - 2 cm; có 3 gờ dọc. Hạt nhỏ, hình thận, màu nâu đậm.

Sinh học và sinh thái:

Mùa hoa tháng 3 - 4, quả tháng 4 - 6 (7). Khi quả già tự mở để hạt thoát ra ngoài. Hạt là nguồn nhân giống tự nhiên chủ yếu. Tuy nhiên, nếu phần thân rễ bị gãy, phần còn lại có khả năng tiếp tục tái sinh. Cây ưa ẩm, ưa bóng; thường mọc dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, nhất là dọc theo hành lang các khe suối, ở độ cao tới 700 m.

Phân bố:

Trong nước: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (A Lưới), Quảng Nam (Trà My), Quảng Ngãi (Sơn Hà, Sơn Tây), Phú Yên (Tuy Hoà, Sơn Hoà), Khánh Hoà (Ninh Hoà), Đồng Nai.

Thế giới: Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Lào, Malaixia, Inđônêxia.

Giá trị:

Thân rễ dùng làm thuốc điều hoà kinh nguyệt, như khi thấy kinh bị đau bụng, kinh nguyệt không đều hay bị bế kinh. Trong thân rễ còn có diosgenin, là nguyên liệu bán tổng hợp thuốc chống viêm, hoóc môn sinh dục và thuốc tránh thai.

Tình trạng:

Mới bị khai thác ít, sử dụng có tính địa phương. Tuy nhiên, môi trường sống thường bị xâm hại do nạn phá rừng.

Phân hạng: VU A1a,c,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "bị đe doạ" (Bậc T). Cần có kế hoạch điều tra, nhất là một vài vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây Nguyên và miền Trung, để có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ. Thu thập, nghiên cứu trồng bảo tồn ngoại vi (Ex situ).

  

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 486.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Ngải rọm

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này