Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Lan kim tuyến
Tên Latin: Anoectochilus setaceus
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales 
Lớp (nhóm): Lan đất  
       
 Hình: Sách đỏ Việt Nam  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    LAN KIM TUYẾN

LAN KIM TUYẾN

Anoectochilus setaceus Blume, 1825.

Chrysobaphus roxburghii Wall. 1826;

Anoectochilus roxburghii (Wall.) Wall. ex Lindl. 1840.

Họ: Phong lan Orchidaceae

Bộ: Phong lan Orchidales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây thảo, mọc ở đất, có thân rễ mọc dài; thân trên đất mọng nước và có nhiều lông mềm, mang 2 - 4 lá mọc xòe sát đất. Lá hình trứng, gần tròn ở gốc, chóp hơi nhọn và có mũi ngắn, cỡ 3 - 4 x 2 - 3 cm, có màu khác nhau với mạng gân thường nhạt hơn (màu lục sẫm với mạng gân màu lục nhạt hay màu nâu - đỏ với mạng gân màu vàng - lục hay hồng); cuống lá dài 2 - 3 cm. Cụm hoa dài 10 - 15 cm, mang 4 - 10 hoa mọc thưa. Lá bắc hình trứng, chóp thót nhọn đột ngột, dài 8 - 10 mm, màu hồng. Hoa thường màu trắng, dài 2,5 - 3 cm; các mảnh bao hoa dài khoảng 6 mm; môi dài đến 1,5 cm, ở mỗi bên gốc mang 6 - 8 dải hẹp, chóp phiến rộng, chẻ hai sâu, hốc chứa mật dài 7 mm, bầu dài 1,3 cm, màu lục, có nhiều lông mềm.

Sinh học và sinh thái:

Mùa hoa tháng 2 - 4. Tái sinh bằng chồi từ thân rễ và hạt, ít và sinh trưởng rất chậm. Mọc dưới tán rừng nguyên sinh, hầu hết là nguyên thủy, rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng trên sườn núi đá granit, riôlit, phiến sét, ở độ cao 500 - 1600 m, rải rác thành từng nhóm vài ba cây trên đất ẩm, rất giàu mùn và lá cây rụng.

Phân bố:

Trong nước: Lào Cai (Sapa: Phăng Xi Păng, Văn Bàn: Liêm Phú), Hà Tĩnh (Hương Sơn: Rào àn), Quảng Trị, Kontum (Đắk Glei: núi Ngọc Linh, Sa Thầy: núi Chư Mom Ray), Đắk Lắk (Krông Bông: núi Chư Yang Sinh), Lâm Đồng (Lạc Dương: núi Bì Đúp).

Thế giới: Ấn Độ, Nêpan, Butan, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia.

Giá trị:

Cây có giá trị về mặt bảo tồn loài

Tình trạng:

Loài có khu phân bố rộng nhưng với số lượng cá thể không nhiều, tái sinh chậm và đòi hỏi điều kiện sống ngặt nghèo ngày càng hiếm. Đã bị khai thác liên tục trong nhiều năm, hiện đã trở nên giảm sút rõ rệt, có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Phân hạng: EN A1a,c,d.

Biện pháp bảo vệ:

Loài có trong Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích th­­­­ương mại. Cần bảo tồn các phần quần thể nhỏ còn sót lại ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh đó cần nghiên cứu nhân giống để gieo trồng tạo hàng hóa xuất khẩu đồng thời bảo vệ nguồn gen.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 409.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Lan kim tuyến

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này