Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Sếu cổ trụi
Tên Latin: Grus antigone sharpii
Họ: Sếu Gruidae
Bộ: Sếu Gruiformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Tăng A Pẩu  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    SẾU CỔ TRỤI

SẾU CỔ TRỤI

Grus antigone (Linnaeus, 1758)

Grus sharpii Blanford, 1929.

Họ Sếu Gruidae

Bộ: Sếu Gruiformes

Đặc điểm nhận dạng:

Đầu và cổ trụi lông, ở má có một đám màu xám. Có một ít lông đen ở họng và quanh gáy. Dưới cổ và toàn bộ lông còn lại màu xám ngọc trai. Lông bao cánh sơ cấp và cánh sơ cấp, cánh con có màu đen. Mỏ màu xám lục nhạt, mắt vàng cam, chân màu đỏ thịt. Da trần ở đầu và mỏ có màu đỏ giống hoa antigon.

Sinh học, sinh thái:

Chỉ sống ở các vùng đất phèn ngập nước, có cỏ năn. Xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô, từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau để kiếm ăn, sau đó bay về Campuchia để sinh sản.

Phân bố:

Trong nước: Nam Bộ và Nam Trung Bộ, chủ yếu là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Gang, Long An).

Thế giới: Mianma, Malaixia, Thái Lan (hiện nay không gặp ngoài thiên nhiên).

Giá trị:

Nguồn gen quý hiếm, một trong 15 loài sếu của thế giới.

Tình trạng:

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, không có thông tin gì về loài này. Năm 1985 phát hiện lại loài này ở vùng Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1990, đếm được 1.110 cá thể ở Tràm Chim. Những năm gần đây, số lượng đang có chiều hướng giảm dần do việc mở rộng diện tích kênh mương, trồng tràm ở các bãi cỏ năn là nơi kiếm ăn của chúng, quan trọng hơn là mở rộng diện tích trồng lúa và sự xâm hại của cây Mai dương trong khu bảo vệ Tràm Chim là khu bảo tồn bảo vệ sếu. Cũng vì thế những năm gần đây gặp loài này kiếm ăn tản mạn ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà trước đây chúng thường tập trung thành những đàn lớn ở vùng Tràm Chim trong mùa khô. Loài này chỉ về nước ta trong mùa khô để kiếm ăn, chưa có thông tin gì về sinh sản ở Việt Nam. Trong tháng 5/1995, thợ săn đã thu 1 mẫu ở Đắk Lắk (vùng Yok Don), tháng 3/2004 đã quan sát được ở Vườn quốc gia Yok Don (PARC, 5/2004.

Phân hạng : VU A1a,c,e B1 3a,b,c,d D1

Biện pháp bảo vệ:

Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) Qui hoạch hợp lý việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp, cụ thể là trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt vùng Đồng Tháp Mười. Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) là nơi bảo tồn loài sếu này đầu tiên ở nước ta, cần bảo vệ tốt các bãi cỏ năn là nơi kiếm ăn của chúng, không nên khai phá để trồng lúa, trồng tràm và các loại cây nông nghiệp khác. Ngoài ra, các vùng đất ngập nước có cỏ năn phân bố ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang... cũng cần phải quản lý hợp lý để tránh làm thu hẹp và mất nơi kiếm ăn của Sếu cổ trụi trong mùa khô là mùa di cư về nước ta. Cần tiến hành điều tra và theo dõi sự hiện diện của chúng ở Vườn quốc gia Yok Don.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 271.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Sếu cổ trụi

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này