Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Gà lôi tía
Tên Latin: Tragopan temminckii tonkinensis
Họ: Trĩ Phasianidae
Bộ: Gà Galliformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    GÀ LÔI TÍA

GÀ LÔI TÍA

Tragopan temminckii (Gray, 1831)

Họ: Trĩ Phasianidae

Bộ: Gà Galliformes

Đặc điểm nhận dạng:

Con đực trưởng thành nhìn chung bộ lông màu đỏ lửa, đỏ nâu và lẫn đen. Da quanh mắt màu xanh hơi thẫm, yếm xanh da trần thẫm hơi phớt vàng có chấm đỏ. Trán, trước mắt, sau mắt, phần trước của mào lông ở gáy, hai bên đầu, quanh yếm cổ màu đen. Lưng có sao tròn nâu nhạt viền đen. Lông cánh đen nhạt, có vằn và có vệt màu hung đỏ. Mặt dưới cơ thể nâu sáng. Đuôi nâu hung vàng nhạt có chấm và vạch đen. Con đực non có màu giống như chim cái, nhưng cỡ lớn hơn một chút, trên đầu có khi có màu đỏ lẫn đen. Phần ngực trên đen thẫm. Con cái trưởng thành tương tự như con đực nhưng bộ lông có vệt đen hung và trắng, nhìn không đẹp, không hấp dẫn bằng con đực. Cả con đực và cái đều có mỏ đen, mắt nâu, chân màu hồng.

Sinh học, sinh thái:

Theo các thợ săn người H'Mông ở gần núi Phan Si păng thì Gà lôi tía đẻ trứng vào tháng 4, gặp chim non rời tổ vào tháng 7. Mỗi lứa đẻ 3 - 5 trứng. Trứng cỡ nhỏ, hình bầu dục, một đầu to một đầu nhỏ màu hung nhạt có lốm đốm chấm nâu. Điều khác biệt với các loài chim khác trong họ Trĩ là Gà lôi tía này làm tổ trên cành cây. Theo Delacour (1977) chim đẻ vào tháng 4, 7 - 8 trứng và thời gian ấp là 28 ngày. Các thợ săn địa phương cho biết chúng ăn các loại quả, hạt quả cây trong rừng, côn trùng, giun đất.

Gà lôi tía sống định cư theo đàn nhỏ 3 - 5 con ở sâu trong rừng thường xanh rậm độ ẩm cao nguyên, thứ sinh trên độ cao 900 đến trên 2.700m (Delacour, 1977). Các thợ săn H'Mông xã Tà Phìn (Sa Pa) đã gặp Gà lôi tía ở độ cao trên 2.500m, thỉnh thoảng gặp ở độ cao 3.000m. Ban ngày kiếm ăn ở mặt đất, ban đêm bay lên các bụi cây thấp đậu ngủ.

Phân bố:

Trong nước: Lào Cai (núi Phan Si Păng huyện Sa Pa) trên độ cao 2.000 – 3.000m, Yên Bái (Mù Cang Chải) ở độ cao 1.600m (Đỗ Tước, 6/2002).

Thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ.

Giá trị:

Loài có vùng phân bố hẹp, quý, rất hiếm của Việt Nam. Loài chim cảnh rất đẹp, có giá trị khoa học, thương mại, vì vậy có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu.

Tình trạng:

Vùng sống bị tác động mạnh, mất dần và bị thu hẹp do phá rừng bừa bãi, bị săn bắt quá mức. Hiện nay số lượng bị giảm nhiều và rất hiếm. Nếu không kịp thời ngăn chặn săn bắt sẽ có nguy cơ tuyệt chủng.

Phân hạng: CR A1a,c,d C2a.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (năm 1992, 2000). Cần tiến hành điều tra nghiên cứu các khu vực còn có gà lôi tía ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn để thu thập dẫn liệu về các quần thể còn sống sót. Tăng cường giáo dục cho nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ và triệt để cấm săn bắt.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 270.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Gà lôi tía

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này