Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Vịt mỏ nhọn
Tên Latin: Mergus squamatus
Họ: Vịt Anatidae
Bộ: Ngỗng Anseriformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    VỊT MỎ NHỌN

VỊT MỎ NHỌN

Mergus squamatus Gould, 1864

Họ: Vịt Anatidae

Bộ: Ngỗng Anseriformes

Đặc điểm nhận dạng:

Chiều dài thân: 52 - 58 cm. Con đực trưởng thành đầu và cổ có màu đen, xanh lục bóng và mào lông dài. Trước cổ, ngực và ở giữa mặt dưới thân trắng màu kem. Hai bên hông có vảy màu xám tối. Con cái đầu có màu hung nâu nhạt. Con non không nhìn rõ hình vẩy ở hai bên hông.

Sinh học, sinh thái:

Vịt mỏ nhọn sống và kiếm ăn ở các vùng đồi núi, dọc theo sông suối lớn, nơi có rừng cây gỗ lâu năm nằm trên các vùng địa hình có độ cao dưới 500m so với mực nước biển. Chúng làm tổ trong hốc cây tại các khu rừng nguyên sinh ở đông Liên bang Nga và đông bắc Trung Quốc (79, 108). Đây là loài "bay qua" vào mùa đông ở Việt Nam và Thái Lan.

Phân bố:

Trong nước: Trước đây: vùng Tây Bắc và Đông Bắc (Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên). Hiện nay: Chưa có thông tin

Thế giới: Liên Xô (cũ), Trung Quốc (Đài Loan), Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Thái Lan và Mianma.

Giá trị:

Nguồn gen quý hiếm, đang bị suy giảm trong khu vực và trên thế giới.

Tình trạng:

Theo các nguồn tài liệu hiện có, vào năm 1926, người ta đã thu thập được 2 vật mẫu của con đực ở Bắc Kạn, dọc theo sông Cầu (Delacour et al., 1928), và sau đó có thông tin đã quan sát được ở Lào Cai, gần vùng biên giới phía Vân Nam, Trung Quốc (Delacour, 1929). Đây là loài bị đe doạ và suy giảm số lượng nhanh chóng trong phạm vi khu vực và thế giới. Quần thể thế giới ước tính hiện nay còn lại khoảng 3.600 - 4.500 cá thể, trong đó ở Trung Quốc có khoảng 200 - 250 đôi làm tổ.

Mối đe dọa chủ yếu là do các khu rừng nằm dọc hồ, đầm và sông suối lớn phần nhiều đã bị khai thác, phát quang làm đất canh tác, và các tác động khác của con người như sử dụng xuồng máy gây náo động, đánh bắt cá bằng lưới và chất nổ, săn bắn. Những tác động như vậy càng gây hậu quả lớn hơn trong các vùng làm tổ của chúng.

Phân hạng: DD

Biện pháp bảo vệ:

Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000), Phụ lục II trong CMS (Công ước quốc tế về bảo vệ các loài động vật di trú). Nhiều vùng rừng ở vùng Tây Bắc và Đông Bắc nước ta đang được khôi phục và bảo vệ. Toàn bộ vùng Tây Bắc và Đông Bắc hiện có khoảng 50 khu bảo vệ, bao gồm cả vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu văn hoá lịch sử đã xây dựng và mới được đề xuất thành lập, đó là các địa danh tốt để có thể điều tra phát hiện sự hiện diện của Vịt mỏ nhọn cũng như khôi phục và bảo vệ các quần thể của chúng ở miền Bắc nước ta.

Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục về bảo tồn cần tăng cường các biện pháp ngăn chặn những hành vi vi phạm về rừng và động vật hoang dã đã có quy định trong các văn bản pháp quy, kể cả trong phạm vi các khu bảo vệ hiện có.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Vịt mỏ nhọn

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này