Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Le khoang cổ
Tên Latin: Nettapus coromandelianus
Họ: Vịt Anatidae
Bộ: Ngỗng Anseriformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    LE KHOANG CỔ

LE KHOANG CỔ

Nettapus coromandelianus (Gmelin, 1789)

Anas coromandelianus Gmelin, 1788

Họ: Vịt Anatidae

Bộ: Ngỗng Anseriformes

Đặc điểm nhận dạng:

Chiều dài thân: 33 - 38 cm. Con đực có đầu, cổ và khoang cổ màu trắng, chóp đỉnh đầu đen. Trên lưng và cánh màu xanh cánh vịt. Bao dưới đuôi đen nhạt. Khi bay nhìn thấy dưới cánh có dải trắng. Con cái nhìn chung bộ lông màu nâu nhạt, có dải đen hẹp ngang mắt (xem hình vẽ).

Sinh học, sinh thái:

Sống định cư, lên tới đai độ cao 800m (79), có thể di chuyển nhưng chỉ trong phạm vi khu vực phân bố (ví dụ ở Trung trung bộ và Nam bộ, hay vào mùa đông gặp ở Xingapo). Sinh cảnh vùng cư trú là đầm, hồ và các khu vực ngập nước ngọt khác. Tại Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) đã quan sát thấy Le khoang cổ sống theo đàn nhỏ ở khu vực dọc suối chảy qua vùng rừng thưa cây họ Dầu Dipterocarpaceae và họ Cỏ Poaceae, thường đậu trên cây gỗ lớn, trụi lá (62), ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Dơi (Cà Mau), gặp 3 - 4 cá thể sau khi khu rừng cây gỗ lớn gần như đã bị huỷ hoại, còn ở Sân chim Bạc Liêu chỉ gặp một đôi tại khu ao ở trung tâm vườn (88). Thời gian sinh sản trong khoảng tháng 6 - 8, tổ làm trong hốc cây hay bên ngoài, độ cao tổ so với mặt đất từ 2 - 21m, đẻ từ 8 - 14 trứng, kích thước trứng: 43,1 x 32,9 mm (79).

Phân bố:

Trong nước: Từ Bắc vào Nam (trừ Tây Bắc và Bắc Trung Bộ): Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Nai và Đắk Lắk.

Thế giới: Ấn Độ đến Nam Trung Quốc và Tây Bắc Inđônêxia.

Giá trị:

Nguồn gen quý đang bị suy giảm mạnh và là đối tượng phục vụ du lịch sinh thái, giải trí, được nhiều người ưa thích.

Tình trạng:

Số lượng suy giảm nhanh chóng ở Việt Nam, trước đây gặp phổ biến ở nhiều nơi, hiện nay đã trở nên hiếm như đã được mô tả trên đây, do vậy cần được quan tâm bảo vệ và giáo dục bảo vệ trong các cộng đồng địa phương.

Phân hạng: EN C2aD

Biện pháp bảo vệ:

Le khoang cổ sống định cư và làm tổ, do vậy là đối tượng rất dễ dàng bị săn bắt. Đồng thời chúng còn bị đe doạ do vùng cư trú bị mất vì rừng bị khai thác, cháy rừng và bị tàn phá do bão lớn (thể hiện rõ ở Sân chim Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), các khu vực làm tổ và kiếm ăn thích hợp bị quấy nhiễu và bị thu hẹp. Hiện nay, Le khoang cổ chỉ mới được bảo vệ tại một số khu bảo tồn và hy vọng số lượng các quần thể còn sống sót sẽ được phục hồi nhanh chóng tại đó như ở vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn chim Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, và Sân chim Đầm Dơi với kế hoạch phục hồi toàn bộ khu rừng ở đây của Chi cục Kiểm lâm Cà Mau hiện nay.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Le khoang cổ

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này