Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Quắm cánh xanh
Tên Latin: Pseudibis davisoni
Họ: Cò quăm Threskiornithidae
Bộ: Hạc Ciconiiformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Craig Robson  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    QUẮM CANH XANH

QUẮM CÁNH XANH

Pseudibis davisoni (Hume, 1875)

Geronticus davisoni Hume, 1875

Họ: Cò quăm Threskiornithidae

Bộ Hạc Ciconiiformes

Đặc điểm nhận dạng:

Chiều dài thân: 75 - 85 cm. Chim trưởng thành nhìn chung toàn thân có màu tối. Đầu đen trụi lông, có vòng lông trắng sau gáy, cánh xanh có vệt trắng trước cánh và nằm ở phía trong, nhìn rõ hơn từ phía trên khi bay. Chân đỏ, mỏ dài và cong xuống dưới.

Sinh học, sinh thái:

Sống định cư ở trong các đầm hồ, suối, trên các vùng đất hoang, đất ngập nước trũng. Tại Vườn quốc gia Cát Tiên gặp chúng đậu trên một vài gốc cây gỗ lớn trơ trụi, còn lại bên bờ suối, đây là vùng rừng cây họ Dầu Dipterocapasceae thưa thớt có tre mọc xen trải dọc theo hai bên bờ suối, cách đó không xa là vùng đồng cỏ hoang vắng, toàn bộ khu vực này có thể bị ngập nước về mùa mưa lũ. Còn tại Hòn Chông, Quắm cánh xanh kiếm ăn trên khu đồng cỏ ngập nước theo mùa, đất ruộng lúa sau thu hoạch có nước bề mặt. Nhìn chung, phần lớn khu vực này là vùng đồng cỏ và đất nông nghiệp, ruộng lúa ngập nước theo mùa, xen kẽ những vùng trũng hay kênh rạch có nước quanh năm, xa vùng dân cư, nhưng có chăn thả trâu bò. Tại đây còn gặp Sếu cổ trụi và Hạc cổ trắng cùng kiếm ăn.

Phân bố:

Trong nước: Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trước đây: Bình Phước (An Bình), Đồng Nai (Hớn Quảng, Phú Riềng), Gia Lai (Plâycu); Hiện nay: Đồng Nai (Vườn quốc gia Cát Tiên) và Kiên Giang (Hòn Chông).

Thế giới: Mianma, Thái lan, Trung Quốc (Tây Nam Vân Nam), Lào, Cămpuchia, Malaixia và Inđônêxia.

Giá trị:

Nguồn gen quý, bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng, rất hiếm, hiện đang bị đe doạ tuyệt chủng trong nước, khu vực và thế giới, cần được bảo vệ.

Tình trạng:

Tìm thấy lại ở Vườn quốc gia Cát Tiên (3 cá thể trong các năm 1991-92), và Kiên Giang, tại vùng đất ngập nước Hòn Chông (gặp 2 cá thể, năm 1999), đây là khu vực đất ngập nước nằm ngoài hệ thống khu bảo vệ của Việt Nam, hiện đang bị tác động mạnh mẽ của dự án đào kênh xả lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn chung, vùng làm tổ, kiếm ăn của chúng bị quấy nhiễu, bị thu hẹp, chia cắt và suy giảm do nhiều hoạt động khác nhau của con người và sự khô hạn của thời tiết, đó là nguyên nhân đe doạ chủ yếu đến quần thể. Ngoài ra, có thể trong nhiều năm về trước chúng đã bị săn bắt nhiều.

Phân hạng: CR A1 a,c,d C2a D.

Biện pháp bảo vệ:

Sách đỏ Việt Nam (1992, 2000), bậc Vu (sẽ nguy cấp) Nghị định 48/NĐ-CP ngày 22/04/2002 của Chính phủ về nghiêm cấm săn bắt và buôn bán Quắm cánh xanh (Nhóm IB). Ngoài Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai, cần điều tra nghiên cứu để phát hiện và xây dựng thêm các khu bảo vệ, như đề xuất thành lập khu bảo vệ vùng đồng cỏ Hòn Chông ở Kiên Giang (88), hoàn thiện việc xây dựng chiến lược quản lí và bảo tồn hệ thống khu bảo tồn đất ngập nước trong toàn quốc. Nâng cao năng lực quản lí bảo vệ đa dạng sinh học và giáo dục cộng đồng về bảo tồn, hạn chế săn bắt các loài chim nước.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Quắm cánh xanh

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này