Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Vạc hoa
Tên Latin: Gorsachius magnificus
Họ: Diệc Ardeidae
Bộ: Hạc Ciconiiformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    VẠC HOA

VẠC HOA

Gorsachius magnificus (Olilvie-Grant, 1899)

Họ Diệc Ardeidae

Bộ: Hạc Ciconiformes

Đặc điểm nhận dạng:

Con đực trưởng thành: Chiều dài thân: 54 - 56cm. Vạc hoa nhìn chung gần giống với loài Vạc Nycticorax nycticorax thường gặp. Nhưng khác là bộ lông của nó chủ yếu không có màu xám đen mà nâu tối ở phía lưng và nâu nhạt có đốm trắng ở mặt bụng. Nhìn từ phía bên đầu có nhiều màu sắc xen kẽ: Các dải lông đen, trắng ở đầu, má và đám lông màu hung nâu nhạt ở sau gáy. Con cái và chim non có màu nhạt hơn con đực. Con non thường không có màu đen, thay vào đó là màu nâu nhạt. Chân có màu lục tối.

Sinh học, sinh thái:

Sống ở rừng ẩm và các vùng đất ngập nước gần rừng, tại các vùng đai thấp và chân đồi (lên đến độ cao khoảng 1000m so với mực nước biển). Nơi sống thích hợp là những chỗ rừng ở gần sông suối, thường gặp ở bên trong hay xung quanh vùng rừng. Địa điểm mới tìm thấy lại Vạc hoa là vùng rừng nằm trong thung lũng núi đá vôi có độ cao khoảng 700m, bao quanh bởi các dãy núi cao từ 1000 đến 1100m. Thức ăn của Vạc hoa là xác các loài động vật nhỏ như cá, tôm và một số loài không xương sống khác. Có thể Vạc hoa đi kiếm ăn vào ban đêm như các loài cò, vạc (khi quan sát ở Lũng Ly, vào ban ngày Vạc hoa đang ngủ ở rừng cây cao). Sống định cư ở Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay chưa thu được các số liệu về đặc tính sinh sản của loài này.

Phân bố:

Trong nước: Hoà Bình, Bắc Kạn.

Thế giới: Đông Nam Trung Quốc (vùng Quảng Tây, Quảng Đông và đảo Hải Nam).

Giá trị:

Nguồn gen hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam và khu vực. Đối tượng hấp dẫn đối với du khách trong du lịch sinh thái.

Tình trạng:

Ngày 30/4 và 1/5/2001, sau gần 25 năm, đã tìm thấy lại 01 cá thể tại thung lũng Lũng Lì thuộc vùng rừng núi đá vôi nằm giữa xã Bản Thi và Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn (39). Cho đến nay chưa có thông tin thêm về loài này ở Hoà Bình, cũng như chưa tìm thấy lại vật mẫu đã thu được tại đó như mô tả trước đây của Võ Quý (108).

Các mối đe doạ chủ yếu là do vùng cư trú bị mất và bị chia cắt mạnh (như rừng bị khai thác, phát quang), bị quấy nhiễu mạnh bởi những hoạt động khác nhau của các cộng đồng dân cư sinh sống ở rừng, đồng thời bị săn bắt nhiều trong quá khứ.

Phân hạng: CR A1a,c C2aD

Biện pháp bảo vệ:

Khả năng mở rộng Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và Rừng đặc dụng Nà Hang (Tuyên Quang) đã được bàn luận đến trong đề xuất xây dựng vùng hành lang xanh nối liền hai khu bảo tồn này (39). Vùng Bản Thi - Xuân Lạc là nơi mới phát hiện lại Vạc hoa nằm trong tổ hợp rừng đã có đề xuất các phương án mở rộng hoặc xây dựng khu bảo tồn như nói trên. Mặt khác, cần tiếp tục tìm kiếm tại các khu phân bố lịch sử của loài cũng như các vùng rừng nằm bên trong và xung quanh hai Khu bảo tồn Ba Bể và Nà Hang, gia tăng công tác bảo vệ và phối hợp bảo vệ tại các khu vực này. Khi triển khai chương trình giáo dục bảo tồn cho cộng đồng địa phương tại các vùng này cần chú ý giới thiệu về loài Vạc hoa để thu hút sự quan tâm của nhân dân địa phương. Sách đỏ Việt Nam (1992, 2000), bậc R (hiếm).

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Vạc hoa

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này