Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Vọoc mông trắng
Tên Latin: Trachypithecus delacouri
Họ: Khỉ Cercopithecidae
Bộ: Linh trưởng Primates 
Lớp (nhóm): Thú  
       
 Hình: Tilo Nadler  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    VOỌC MÔNG TRẮNG

VOỌC MÔNG TRẮNG

Trachypithecus delacouri  (Osgood, 1932)

Pithecus delacouri Osgood, 1932.

Họ: Khỉ Cercopithecidae

Bộ: Linh trưởng Primates.

Đặc điểm nhận dạng:

Bộ lông dày rậm, thô và màu đen. Đầu có mào lông hình chóp đen. Đám lông trắng trên má rộng, vượt lên trên vành tai. Lông vùng mông và đùi trắng. ở con cái, lông từ hông đến đùi có sự thay đổi màu, bình thường màu trắng và chuyển sang màu nâu nhạt rồi nâu thẫm trong thời kỳ mang thai và nuôi con non. Đuôi dài, lông dày, bông, sợi lông mọc vuông góc với đuôi và màu đen. Mặt trụi lông. Mắt nâu đen. Voọc non mới sinh có bộ lông màu vàng tơ và bắt đầu chuyển dần sang màu đen sau 4 tháng tuổi. Sau 10 tháng tuổi, toàn bộ cơ thể chuyển sang màu đen rõ, phần hông, đùi màu trắng, chỏm lông đỉnh đầu màu vàng nhạt. Sau 3 năm tuổi màu lông giống con trưởng thành.

Sinh học, sinh thái:

Voọc mông trắng sống chủ yếu ở rừng cây gỗ trên núi đá vôi. Tuy nhiên do sự chia cắt, nên Voọc mông trắng sống cả trong những sinh cảnh rừng nghèo, thậm chí chỉ có dây leo bụi rậm (Vân Long, Ninh Bình). Cũng như các loài trên, Voọc mông trắng sống đàn. Kết quả khảo sát thực địa cho thấy số lượng con trong đàn biến đổi từ 5 đến 10 con. Vùng hoạt động kiếm ăn của Voọc mông trắng tương đối rộng, cả trên núi đất lẫn núi đá nhưng chúng ngủ trên núi đá. Mùa nóng, Voọc mông trắng ngủ trên vách đá, mùa lạnh ngủ hang. Kiếm ăn ngày hai buổi sáng và chiều, trưa nghỉ. Nghiên cứu trong điều kiện nuôi nhốt cho thấy Voọc thường có giấc ngủ trưa bắt đầu từ khoảng 12 giờ và tỉnh dậy vào khoảng 13 giờ. Thời gian ngủ trưa kéo dài từ 37 đến 60 phút. Voọc mông trắng ăn lá, chồi non và quả cây rừng.

Không ăn động vật. Nghiên cứu thức ăn tại Trung tâm cứu hộ thú Linh trưởng Cúc Phương đã ghi nhận được Voọc mông trắng ăn 204 loài thực vật thuộc 57 Họ. Trong 204 loài thực vật làm thức ăn, Voọc mông trắng ăn chồi lá 203 loài, ăn hoa của 16 loài, quả của 13 loài, củ 3 loài và ăn vỏ của 10 loài. Nhu cầu thức ăn trung bình ngày là 1184g, (bằng 16.91% trọng lượng cơ thể) và phụ thuộc vào giới tính, tuổi và thời tiết (chủ yếu là nhiệt độ) trong ngày. Lượng nước uống trong ngày biến động từ 400 đến 500 ml/con. Kẻ thù tự nhiên của chúng là các loài thú ăn thịt lớn.

Dẫn liệu sinh sản Voọc mông trắng còn ít. Quan sát tại Trung tâm cứu hộ thú Linh trưởng Primates Cúc Phương cho thấy hoạt động giao phối của Voọc mông trắng thường diễn ra vào hai thời điểm sáng sớm và sau buổi ăn chiều. Thời gian giao phối kéo dài 15 dến 30 giây. Thời gian mang thai trung bình 196 ngày. Mùa sinh sản tập trung từ tháng 12 đến tháng 8. Mỗi lứa đẻ một con, con sơ sinh nặng 350 - 500g. Bộ lông con sơ sinh màu vàng. Voọc trưởng thành sinh dục sau 5 năm tuổi.

Phân bố:

Trong nước: Yên Bái (Văn Chấn), Hoà Bình (Chi Nê), Ninh Bình (Cúc Phương, Vân Long), Thanh Hoá (Hồi Xuân, Lang Chánh), Nghệ An (Quỳ Châu, Con Cuông), Hà Tĩnh (Hương Sơn).

Thế giới: Chỉ có ở Việt Nam.

Giá trị:

Voọc mông trắng là nguồn gen đặc hữu, qúy hiếm. Theo dõi tập tính sinh thái của chúng để tìm hiểu về tiến hóa của con người.

Tình trạng:

Voọc mông trắng trước phân bố tương đối rộng. Do nơi sống bị mất, vùng phân bố bị thu hẹp và do săn bắt nên số lượng đã suy giảm nghiêm trọng. Ước lượng hiện còn khoảng 270-302 cá thể (Nadler T., 2001)

Phân hạng: CR A1c,d C1+2a

Biện pháp bảo vệ:

Sách đỏ Việt Nam (1992) xếp Voọc mông trắng ở mức nguy cấp (E). Hội nghị Linh trưởng tháng 10/1998 ở Hà Nội, IUCN (2000) xếp loài này vào nhóm rất nguy cấp (CR). Phụ lục II CITES. Quyết định 194-CT (1986) về Quy định các khu rừng cấm; Luật bảo vệ và phát triển rừng (1991), nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Đã được bảo vệ ở Vườn quốc gia Cúc phương, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Pu Luông. Cần tăng cường công tác quản lý bằng mọi hình thức và giải pháp.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Vọoc mông trắng

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này