Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cu li lớn
Tên Latin: Nycticebus bengalensis
Họ: Culi Loricidae
Bộ: Linh trưởng Primates 
Lớp (nhóm): Thú  
       
 Hình: Nguyễn vũ Khôi  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    New Page 1

CU LI LỚN

Nycticebus bengalensis (Lacepede, 1800)

Loris coucang Boddaert, 1785

Nycticebus javanicus Geoffroy E., 1812

Nycticebus cinereus Milne - Edwards, 1867

Họ: Cu li Loricidae

Bộ: Linh trưởng Primates

Đặc điểm nhận dạng:

Đầu tròn, trên đỉnh đầu có sọc màu nâu sẫm. Mắt trố to. Xung quanh hai mắt có vòng lông màu nâu đỏ. Từ trên đỉnh đầu có hai sọc nhỏ màu nâu nhạt chạy xuống dưới mắt. Từ hai gốc tai có vệt lông màu nâu nhạt chạy lên đỉnh đầu và liên kết với nhau. Dải lông màu nâu sẫm chạy dọc từ trên đỉnh đầu theo sống lưng xuống phía dưới. Lông mịn màng, có màu vàng đỏ, cũng có thể có màu vàng nhạt hoặc màu xám. Ngực thường có màu xám tro. Bụng màu hơi vàng nhạt. Hông và chân sau có màu đỏ hoe. Kích thước cỡ nhỏ. Dài thân: 260 - 310mm, dài đuôi: 19 - 40mm. Ngón tay trỏ nhỏ, ngón chân thứ hai có vuốt, các ngón khác có ống. Răng hàm thứ nhất lớn hơn răng hàm thứ hai.

Sinh học, sinh thái:

Con đực và con cái trưởng thành sau 21 tháng. Thời gian mang thai 191 ngày. Khoảng cách giữa các lần sinh từ 12 - 18 tháng. Cuộc sống kéo dài khoảng 20 năm. Thức ăn chủ yếu là quả cây: 50%, các loài động vật: 30%, đặc biệt là các loài côn trùng. Hoạt động về ban đêm. Ban ngày ngủ trên cây cuộn tròn, mặt cúi vào trong lòng. Chúng thường làm tổ trên các hốc cây. Cuộc sống leo trèo. Sống đơn độc hoặc thành nhóm 3 - 4 cá thể. Khu vực sống chủ yếu là các rừng tre nứa, rừng nguyên sinh, cây bụi, các khu vườn thứ sinh. Chúng thích các vị trí trên đỉnh núi hoặc đỉnh giông có thể cao tới 1300m so với mực nước biển.

Phân bố:

Trong nước: Yên Bái (Ta Lang), Tuyên Quang (Bản Bung, Tát Kẻ), Bắc Kạn (Đình Cả, Bản Thi, Ba Bể, Chợ Rã), Lạng Sơn (Hoa Thong), Bắc Ninh (Thăng Long), Hoà Bình (Đà Bắc), Quảng Trị (Lao Bảo), Thừa Thiên - Huế (Bạch Mã), Gia Lai (Koncharang), Kontum (Sa Thầy, Mom Ray).

Thế giới: Bănglađét, Mianma, Trung Quốc, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia

Giá trị:

Thú quý và cổ trong bộ linh trưởng, có vị trí đặc biệt trong nghiên cứu tiến hóa và thích nghi với đời sống trên cây. Mặt khác dễ nuôi, rất hấp dẫn trong các vườn thú nên có thể nuôi nhân giống để xuất khẩu.

Tình trạng:

Trước năm 1975: Loài này còn gặp rất phổ biến ở các khu rừng từ các tỉnh phía Bắc tới Gia Lai, Kontum trên diện tích ước tính khoảng >20.000km2.

Từ năm 1975 trở lại đây tình trạng của loài thay đổi rõ rệt. Số lượng quần thể giảm mạnh. Số lượng tiểu quần thể hiện nay khoảng 30. Nguyên nhân biến đổi là do: Nơi cư trú bị xâm hại, rừng bị chặt phá, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và đây là đối tượng săn bắt để nuôi làm cảnh, buôn bán và xuất khẩu.

Phân hạng: VU A1c,d

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IB Nghị định 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ). Cần tiến hành tốt việc thực thi pháp luật, các quy chế, nghị định của chính phủ về công tác bảo vệ động vật hoang dã. Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên và các chương trình quản lý các loài động vật hoang dã nói chung và các loài bị đe doạ nói riêng.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 35.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cu li lớn

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này