Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Gà lôi trắng
Tên Latin: Lophura nycthemera
Họ: Trĩ Phasianidae
Bộ: Gà Galliformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    GÀ LÔI TRẮNG

GÀ LÔI TRẮNG

Lophura nycthemera (Linnaeus, 1758)

Phasianus nycthemera Linnaeus, 1758.

Họ: Trĩ Phasianidae

Bộ: Gà Galliformes

Đặc điểm nhận dạng:

Gà lôi trắng có 5 phân loài: Trĩ bạc Lophura nycthemera nycthemera (Linnaeus, 1758); Gà lôi trắng Lophura nycthemera beaulieuri Delacour, 1948; Gà lôi berli Lophura nycthemera berliozi Delacour và Jabouille, 1928; Gà lôi beli Lophura nycthemera beli (Oustalet, 1898), Gà lôi vằn lưng Lophura nycthemera annamensis (Ogilvie Grant, 1906).

Chim đực trưởng thành của 5 phân loài Gà lôi trắng có đặc điểm sai khác đặc trưng là càng vào phía nam của vùng phân bố lông đuôi của chúng càng ngắn dần, màu trắng của bộ lông cũng giảm và màu đen tăng lên. Bộ lông có vằn đen trắng xen lẫn thể hiện rất rõ ở phân loài đặc hữu Gà lôi vằn lưng (Lophura nycthemera annamensis) phân bố ở rừng nam Trung Bộ đến đông bắc Nam Bộ (Việt Nam). Lông đuôi của phân loài beli (Lophura nycthemera beli) có màu trắng rõ hơn so với phân loài berli (Lophura nycthemera berliozi) mặc dù hai phân loài này có hình thái ngoài tương tự nhau.

Sinh học, sinh thái:

Sinh sản của gà lôi trắng từ cuối mùa xuân kéo dài đến cuối mùa hè. Con đực thường khoe mẽ vào tháng 2, làm tổ và đẻ trứng vào tháng 4 - 5. Mỗi lứa đẻ 5 - 10 trứng, vỏ trưng màu trắng ngà hay hung nhạt. Thời gian ấp 25 - 26 ngày. Cũng như các loài gà lôi khác thức ăn của gà lôi trắng là côn trùng, giun đất, các loại hạt và quả cây trong rừng.

Tuỳ từng phân loài, gà lôi trắng sống đôi, đàn nhỏ 3 - 5 con hoặc nhiều hơn đến 10 con như ở trĩ bạc. Nơi sống thích hợp của gà lôi trắng là các loại rừng thường xanh nguyên, thứ sinh và rừng hồi phục, rừng khai thác ẩm rậm rạp, nơi có độ cao 300m trở lên so với mặt biển. Đã gặp loài này ở độ cao trên các đỉnh núi cao 1200 - 1800m. Ban ngày kiếm ăn trên mặt đất ban đêm bay lên trên cành cây đậu ngủ.

Phân bố:

Trong nước: Từ Bắc bộ vào đến Nam Bộ.

Thế giới: Nam Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Cămpuchia. Tùy từng phân loài, riêng các phân loài L. n. beli và L. n. annamemsis là đặc hữu của Việt Nam

Giá trị:

Gà lôi trắng đặc biệt là các phân loài L. n . annamensis, L. n. beli có giá trị thẩm mỹ và đa dạng sinh học cao.

Tình trạng:

Hiện nay số lượng cá thể của gà lôi trắng còn lại không nhiều, đặc biệt là 2 phân loài đặc hữu. Cả 5 phân loài đều bị săn bắt nhiều, bừa bãi, vùng phân bố bị huỷ hoại và thu hẹp, số lượng cá thể trong thiên nhiên giảm sút nhanh chóng và ngày càng trở nên hiếm. Tuy nhiên, chúng đang được phục hồi trong nhiều khu bảo tồn thiên nhiên.

Phân hạng: LR cd.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000), Nghị định 48/NĐ-CP (2002). Cần nghiên cứu thêm về hiện trạng và phân bố của các phân loài, đặc biệt là các phân loài đặc hữu của Việt Nam, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ hữu hiệu cho Gà lôi trắng ở Việt Nam.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 264.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Gà lôi trắng

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này