Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá chiên
Tên Latin: Bagarius rutilus
Họ: Cá chiên Sisoridae
Bộ: Cá nheo Siluriformes 
Lớp (nhóm): Cá biển  
       
 Hình: Sách đỏ Việt Nam  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
   

CHIÊN

Bagarius rutilus Ng et Kottelat, 2000

Bagrus yarrelli Pellegrin, 1907

Bagarius bagarius Chevey & Lemasson, 1937.

Họ: Cá chiên Sisoridae

Bộ: Cá nheo Siluriformes

Đặc điểm nhận dạng:

Cá cỡ lớn, thân hình trụ, thon dài về phía đuôi. Đầu và thân trước dài, thô và dẹp bằng. Đầu lớn, mút trước hình lưỡi cày. Mút mõm hình cung tròn. Miệng rộng, hình vòng cung. Răng hàm nhọn, hình dùi. Có 4 đôi râu. Râu hàm gốc rộng bè, mút cuối kéo dài thành sợi và chấm gốc vây ngực. Mắt nhỏ ở đỉnh đầu. Khoảng cách 2 mắt rộng bằng. Lỗ mũi trước và sau sát nhau. Vây lưng có gai cứng trơn nhẵn, khởi điểm gần vây mỡ hơn mút mõm. Vây mỡ ngắn, khởi điểm trước hoặc trên vây hậu môn. Vây ngực mở rộng, tia gai cứng phía sau có răng cưa yếu. Vây bụng có khởi điểm nằm phía dưới và sau gốc vây lưng. Hậu môn gần vây hậu môn hơn. Vây đuôi phân thuỳ sâu. Mút sau vây ngực, vây lưng và vây đuôi kéo dài thành sợi. Thân phủ da xù xì. Đường bên hoàn toàn. Cá có màu xám, trên thân có một số vùng đen lớn rất đặc biệt.

Sinh học, sinh thái:

Cá có khối lượng tối đa đạt tới 50kg, thường gặp 3 - 7kg. Cá chiên ở sông Hồng sinh trưởng nhanh: 1 tuổi dài 14,1cm, 2 tuổi dài 62,3cm, 3 tuổi dài 77,5cm. 4 tuổi dài 90cm, 5 tuổi dài 98,4cm và 6 tuổi dài 102cm. Cá chiên là loại cá dữ điển hình. Cá con cỡ nhỏ hơn 15cm ăn chủ yếu là ấu trùng, côn trùng, tôm tép và cá con. Cá lớn thức ăn chủ yếu là cá nhỏ và trung bình. Cá Chiên thành thục lúc 3 - 4 tuổi, khối lượng từ 3 - 6kg. Mùa sinh sản từ tháng 3 đến tháng 6. Cá thường di cư lên trung và thượng lưu các sông lớn, nơi nước chảy mạnh, đáy nhiều sỏi đá và độ sâu thích hợp để đẻ trứng. Sức sinh sản tuyệt đối của cá từ 257.800 - 1.024.800 trứng. Cá chiên đẻ trứng ở đáy, trong các hốc đá, trứng dính vào đáy hoặc tổ do bố mẹ đào. Cá bố mẹ có tập tính bảo vệ trứng và cá con.

Phân bố:

Trong nước: Các sông suối phía Bắc: Lào Cai, Yên Bái (sông Thao, sông Chảy), Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ (sông Lô - Gâm), Cao Bằng, Lạng Sơn (sông Kỳ Cùng), Bắc Kạn (Na Rì), Thái Nguyên (sông Cầu), Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình (sông Đà), Thanh Hoá (sông Mã), Nghệ An (sông Lam) về phía nam tới sông Thu Bồn (Quảng Nam).

Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam), Lào, Thái Lan và Cămpuchia.

Giá trị:

Là loài cá có giá trị kinh tế rất cao, thịt thơm ngon. Cá khai thác quanh năm, nhiều nhất vào tháng 12 đến tháng 5 năm sau; đặc biệt trong mùa cá sinh sản. Sản lượng Cá chiên tập trung nhiều ở trung lưu các sông lớn, đặc biệt là sông Hồng.

Tình trạng:

Nơi cư trú của Cá Chiên bị thu hẹp trên 20% do xây dựng các hồ chứa thuỷ lợi và thủy điện hoặc các công trình giao thông đường thủy. Nhiều bãi Cá chiên đẻ ở trung và thượng lưu các sông lớn các tỉnh phía Bắc đã bị mất hoặc thu hẹp. Cá chiên có giá bán cao nên bị đánh bắt quá mức để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Phân hạng: VU A1c,d B2a,b.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996. Đã có quy chế bảo vệ và khai thác loài cá này, cho phép đánh bắt Cá chiên có chiều dài trên 38cm, cấm đánh bắt trên bãi đẻ từ tháng 2 - 5. Tuy nhiên, các quy chế vẫn chưa tới được các cơ sở. Cần nghiên cứu kỹ hơn về loài cá này trên cơ sở đó xây dựng quy chế toàn diện cho việc khai thác và bảo vệ hợp lý. Trước mắt là cấm triệt để việc khai thác bằng xung điện, chất nổ, chất độc, cấm đánh bắt cá cỡ dưới 38cm; đặc biệt cấm nghề câu Cá chiên con và đánh bắt cá bố mẹ trên các bãi đẻ. Đẩy mạnh việc nghiên cứu cho Cá chiên đẻ nhân tạo, cung cấp giống nuôi và phục hồi nguồn lợi tự nhiên.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá chiên

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này