Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Cá chình nhật
Tên Latin: Anguilla japonica
Họ: Cá chình Anguillidae
Bộ: Cá chình Anguilliformes 
Lớp (nhóm): Cá biển  
       
 Hình: Herbert R. Axelrod  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CÁ CHÌNH NHẬT

CÁ CHÌNH NHẬT

Anguilla japonica Temminck & Schlegel, 1846

Họ Cá chình Anguillidae

Bộ Cá chình Anguilliformes

Đặc điểm nhận dạng:

Cá cỡ trung bình, thân hình trụ dài, dạng rắn. Miệng rộng ở mút mõm. Rạch miệng kéo dài về sau tới viền sau mắt. Vây lưng nằm lùi về phía sau, liên tục với vây đuôi và vây hậu môn. Khoảng cách giữa khởi điểm vây lưng và khởi điểm vây hậu môn ngắn hơn chiều dài đầu. Vây ngực tồn tại. Vây bụng thiếu. Cá có màu nâu sáng, ánh xanh.

Sinh học, sinh thái:

Cá chình nhật ở ngoài tự nhiên vì thiếu thức ăn nên rất chậm lớn. Năm thứ nhất cá dài 6cm nặng 0,1g, năm thứ hai dài 15cm nặng 5g, năm thứ ba dài 25cm nặng 15g, năm thứ tư đạt cỡ thương phẩm 150g. Cá chình nhật thường có chiều dài 40 - 50cm, nặng 200 - 300g, cũng có con đạt 0,9 - 1m nặng 4 - 5kg. Cá chình nhật thuộc loại cá dữ. ở giai đoạn cá giống chúng ăn chủ yếu là luân trùng, giun ít tơ, ấu trùng côn trùng. Chúng cũng ăn các loài ốc hến, mảnh vụn hữu cơ. Khi cá nặng 5g trở lên bắt đầu ăn cá con và xác động vật chết.

Cá chình nhật sống ở nước ngọt, khi thành thục di cư ra biển sinh sản. Vòng đời của cá chưa biết chắc chắn. Cá sống ở nước ngọt, tuyến sinh dục không thể thành thục được. Hàng năm đến mùa sinh sản cá bố mẹ kết đàn từ sông hoặc đầm hồ ra biển. Trong hành trình cá di chyển trên biển tuyến sinh dục chín dần và cuối cùng đến bãi đẻ ở ngoài biển sâu để đẻ trứng. Trứng nở ra thành ấu trùng dạng dẹt hình lá liễu. Qua biến thái nhiều lần thành Cá chình con. Cá con theo dòng hải lưu hoặc sóng biển di cư vào ven bờ, các thuỷ vực nước ngọt nội địa để sinh sống và trưởng thành (Ngô Trọng Lư, 1998).

Phân bố:

Trong nước: Hà Nội (Thanh Trì: sông Hồng), các tỉnh ven biển Bắc Bộ Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Trung Trung Bộ (Quãng Ngãi, Bình Định) (Nguyễn Hữu Dực & Mai Đình Yên, 1994).

Thế giới: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

Giá trị:

Cá có giá trị thương mại lớn. Thịt cá rất ngon, được nhiều người ưa chuộng và có thể xuất khẩu. Cá chình nhật là loài cá quý được nuôi nhiều ở Nhật Bản và Trung Quốc. Ở nước ta, nhiều vùng đã thí điểm nhập giống Cá chình nhật từ Trung Quốc về nuôi và bước đầu đã có kết quả.

Tình trạng:

Nơi sinh sống của Cá chình nhật nói chung và họ Cá chình Anguillidae nói chung bị thu hẹp do khai thác quá mức. Trong tự nhiên hiện nay không còn thấy Cá chình nhật nữa. Theo ngư dân cho biết thỉnh thoảng có gặp Cá chình nhật ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình. Cá có thịt ngon nên vẫn bị lùng bắt nhiều. Có thể cá đã bị tuyệt chủng nhiều năm.

Phân hạng: EW.

Biện pháp bảo vệ:

Đã đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) và danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996. Tuy nhiên chưa có quy chế đánh bắt, khai thác và bảo vệ loài cá này. Cần cấm tuyệt đối việc đánh bắt Cá chình nhật ở hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình ven biển Bắc Bộ khoảng 10 năm. Tổ chức nuôi Cá chình nhật để xuất khẩu và có thể thả bổ sung nguồn lợi tự nhiên ở sông Hồng và sông Thái Bình.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Cá chình nhật

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này