Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

PHÁT HIỆN HAI LOÀI THẰN LẰN NGÓN MỚI Ở VÙNG TÂY BẮC VIỆT NAM

Nguyễn Quảng Trường – Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật


Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với các đồng nghiệp ở Trường Đại học Tây Bắc, Vườn thú Cologne (CHLB Đức) vừa công bố thêm 2 loài thằn lằn mới thuộc giống Thạch sùng ngón Cyrtodactylus dựa trên bộ mẫu chuẩn thu ở tỉnh Hòa Bình. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh đặc điểm hình thái và phân tích mối quan hệ di truyền giữa hai loài mới với các loài cùng giống phân bố ở Việt Nam và Lào. Việc phát hiện thêm hai loài bò sát mới ở Hòa Bình chứng tỏ tiềm năng đa dạng sinh học cao cùng với tính đặc hữu của hệ sinh thái núi đá vôi ở Tây Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Zootaxa của Niu Zi-lân (số 3985, tháng 7/2015).

 

Loài Thằn lằn ngón bobrov Cyrtodactylus bobrovi Nguyen, Le, Pham, Ngo, Hoang, Pham & Ziegler, 2015 được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông thuộc huyện Lạc Sơn. Loài này có đặc điểm nhận dạng như sau: Chiều dài đầu và thân đạt khoảng 97 mm, có 12-14 hàng nốt sần quanh giữa thân, 40-45 hàng vảy bụng ở giữa thân, con đực có 5 lỗ trước hậu môn, vảy dưới đuôi hơi phình rộng, đầu và cổ có các đốm nâu sẫm, vệt khoang cổ không liên tục, thân có có 5-6 sọc ngang sẫm màu.

 

Loài mới được vinh danh tiến sỹ Vladimir V. Bobrov Severtsov  thuộc Viện Sinh thái và Tiến hóa, Học viện Khoa học Nga, để ghi nhận những đóng góp to lớn của ông với những  nghiên cứu thằn lằn ở Việt Nam

 

   

Thằn lằn ngón bobrov Cyrtodactylus bobrovi  - Ảnh: Phạm thế Cường, Hoàng văn Chung

 

Loài Thằn lằn ngón ota Cyrtodactylus otai Nguyen, Le, Pham, Ngo, Hoang, Pham & Ziegler, 2015 được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò thuộc huyện Mai Châu. Loài này có đặc điểm nhận dạng như sau: Chiều dài đầu và thân đạt khoảng 91 mm, có 14 hàng nốt sần quanh giữa thân, 38-43 hàng vảy bụng ở giữa thân, con đực có 7-8 lỗ trước hậu môn, vảy dưới đuôi hơi phình rộng, đầu và cổ có các đốm nâu sẫm, vệt khoang cổ không liên tục, thân có có 5-6 sọc ngang sẫm màu.

 

Loài mới được vinh danh giáo sư, tiến sỹ Hidetoshi Ota thuộc viện khoa học môi trường tự nhiên của đại học Hyogo Nhật Bản vì những đóng góp của ông  đối với việc nghiên cứu hệ thống học của nhóm Tắc kè

   

Thằn lằn ngón ô-ta Cyrtodactylus otai  - Ảnh: Nguyễn quảng Trường

 

Giống Thạch sùng ngón Cyrtodactylus được biết là một trong những giống thằn lằn đa dạng nhất với khoảng hơn 200 loài ghi nhận trên thế giới. Ở Việt Nam, số lượng loài thạch sùng ngón ghi nhận cũng tăng từ 3 loài ghi nhận năm 1997 lên 37 loài tính đến thời điểm hiện tại.

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này