Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TỔNG QUAN VỀ PHÂN LOẠI THỰC VẬT

 

I. Nhận biết cây cỏ

A. Dạng cây:

Cây gỗ: Cây sống nhiều năm, có thân sinh trưởng thứ cấp hoá gỗ, thân chính phát triển mạnh, trên thân chinh phân cành bên và chồi mang vòm lá. Thân chinh của cây gỗ to, nhỏ, cao, thấp, có cành nhánh nhiều hay ít tuỳ thuộc vào từng loài. Thân khá cao, tới 25 - 40m hay hơn. Vi dụ: Xoài cánh Swintonia floribunda, Chò chai Hopea recopei...

Cây bụi: Cây thân gỗ nhiều năm, thân chính không có hoặc kém phát triển, cành nhánh bắt đầu từ gốc của thân chinh. Chiều cao của cây bụi thường không vượt quá 7m. Ví dụ: Sim Rhodomyrtus tomentosa.

Những cây bụi có cành hóa gỗ dựa vào những cây khác mà leo lên gọi là cây bụi leo Vi dụ: Dây chiều ấn Tetracera indica...

Cây thảo: Cây có thân nằm trên mặt đất, thân cây không hóa gỗ, chết lụi vào cuối thời kỳ tạo quả. Vi dụ: Địa liền Kaempferia galanga,Sâm ngọc linh Panax vietnamense.

Tùy theo số năm tồn tại mà phân biệt ra:

Cây thảo một năm: Cây thảo hoàn thành một chu kỳ sống trong một thời kỳ sinh dưỡng (một mùa hoặc một năm)

Cây thảo hai năm: Trong năm đầu, chỉ phát triển lá gần gốc rễ, vào năm thứ hai, mới xuất hiện thân mang hoa và quả, và sau đó cây sẽ bị chết.

Cây thảo nhiều năm: Cây thảo sống dai nhờ có thân ngầm sống dai nhiều năm, còn phần trên mặt đất sẽ chết đi hàng năm

Cây leo: Cây có thân mềm, không mọc thẳng đứng được, phải dựa vào các cây khác hay các vật thể làm giá tựa hoặc nhờ các cơ quan đặc biệt như tua cuốn, móc, rễ phụ, nhánh hoặc lá

 

B. Các bộ phận của cây:

1. Rễ: Rễ là một trong ba bộ phận dinh dưỡng quan trọng của thực vật bậc cao, làm nhiệm vụ giữ cây đứng vững và hút chất dinh dưỡng từ đất lên để lá quang hợp nuôi cây.

Rễ chính hay rễ cái: Rễ phát triển từ rễ mầm, thường mọc sâu thẳng đứng vào trong đất; từ rễ chinh phát triển ra những rễ bên. Rễ chinh mập khỏe, thường mọc thẳng xuống đất mang nhiều rễ con ít phát triển hơn.

Rễ chùm: Tập hợp nhiều rễ có chiều dài gần bằng nhau, ít phân nhánh mọc từ cổ rễ. Loại rễ này đặc trưng cho hệ rễ thực vật một lá mầm.

Rễ củ: Rễ có chức năng dự trữ chất hữu cơ, trong rễ có nhiều saccharose, tinh bột, chất khoáng, vitamin... được dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp, thức ăn cho người và gia súc, làm thuốc. Vi dụ: rễ Bách bộ, rễ Sắn...

2. Thân: Cơ quan dinh dưỡng của cây nằm trung gian giữa lá và rễ, là con đường dẫn truyền nhựa, tích lũy chất dự trữ và sinh sản. Tùy theo vị tri không gian mà chia ra các loại thân:

Thân bò lan: Thân bắt đầu từ cổ rễ, vươn dài trên mặt đất và tận cùng là một chồi. Chồi này phát triển thành một vòng lá mới và mọc rễ mới.Từ đó lại sinh ra một thân bò lan khác và cứ tiếp tục như thế; như thân cây Rau má, cây Dâu tây

Thân leo: Thân của cây leo chỉ có thể vươn dài lên nhờ bám vào một cọc hay trụ làm giá tựa, hoặc bởi các tua cuốn hay rễ móc: như cây leo họ Đậu - Fabaceae.

Thân quấn: Thân mềm yếu, không thể đứng thẳng, phải quấn vào giá tựa hoặc cây khác để vươn lên. Như thân quấn của cây họ Nho Vitaceae, họ Bầu bí - Cucurbitaceae, Họ Củ nâu - Dioscoreaceae

Thân rễ: Thân dưới đất của cây thảo nhiều năm. Trên thân rễ, thường thấy rõ những vết sẹo của những thân mang hoa của các năm trước. Thân rễ cũng có chồi đỉnh, chồi nách, đốt và gióng, các lá nhỏ dạng vẩy hoặc dạng màng mỏng.

Thân hành: Thân ngầm dưới đất dạng quả lê, dạng trứng hoặc cầu dẹt như là một cái thân ngắn mang nhiều lá biến đổi thành dạng vẩy úp lên nhau. Vẩy ngoài khô dai làm nhiệm vụ che chở, vẩy trong nạc, mọng nước có chức năng dự trữ, ở khoảng giữa hành là những lá phát triển thành lá sinh dưỡng và chồi sẽ tạo thành cán hoa. Hành có thể có nhiều chồi nách. Hành sống dai dưới đất.

3. Lá: Lá là cơ quan sinh dưỡng của thực vật có chất diệp lục giữ chức năng quang hợp và thoát hơi nước. Lá thông thường là dẹt và đối xứng hai bên, có kích thước xác định và phát triển tới hạn tùy theo từng loài thực vật. Lá phát triển từ thân hoặc cành và thường có chồi ở nách.

Lá đầy đủ thường có phiến lá, cuống lá và lá kèm. Có những loại lá không có lá kèm hoặc không có cuống. Phiến lá có đầu lá hay chóp lá, gốc lá, mép lá, hệ gân lá (gân chính, gân bên và các gân phụ) và phần thịt của lá.

Ở phần lớn Thực vật một lá mầm, phần gốc cuống lá phình rộng thành hình cái bao ôm lấy thân, gọi là bẹ lá, ở hai bên bẹ lá hoặc ở hai bên gốc phiến lá, có phần kéo dài gọi là tai lá. ở mặt trên của lá, ngăn cách gốc phiến lá với bẹ lá có lưỡi bẹ (hay thìa lìa) thường ôm lấy thân cây.

Các kiểu lá: Thông thường, chúng ta hay gặp kiểu lá đơn với nhiều hình dạng khác nhau: hình kim, hình vẩy, hình dải (hay hình vạch), hình ngọn giáo, hình trái xoan, hình bầu dục, hình trứng, hình tim, hình thận, hình tam giác, hình khiên, hình mũi lao (hay hình kích).

Ngoài kiểu lá đơn, còn có kiểu lá kép. Lá kép có phiến lá phân chia thành nhiều thùy hoặc nhiều lá chét, có cuống hoặc không có cuống, đính vào cuống lá kép. Thường gặp là:

Lá kép chẻ ngón: Lá kép có nhiều lá chét đính tại một điểm của cuống lá chính. Xòe ra dạng bàn tay.

Lá kép chân vịt: Lá chét có những thùy nông hoặc sâu, dạng chân vịt.

Lá kép lông chim: Lá kép có các lá chét sắp xếp hai dãy trên cuống lá chính, dạng lông chim. Thường gặp nhiều dạng khác nhau:

Lá kép lông chim chẵn: Có các lá chét mọc đối

Lá kép lông chim lẻ: Ngoài các lá chét mọc đối còn có một lá chét ở đỉnh;

Lá kép lông chim hai lần (lẻ hay chẵn): Là lá kép có hai lần dãy lá chét dạng lông chim lẻ hay chẵn.

Mép lá: Còn gọi là bờ của phiến lá. Có nhiều dạng mép lá: nguyên, xẻ răng cưa, răng cưa to, răng cưa nhỏ, tai bèo, lượn sóng, lượn sóng sâu, nhăn nheo, lông chim, lông chim sâu, chia thùy lông chim, xẻ lông chim, lông chim ngược, chẻ thùy chân vịt và mép lá xẻ.

Kiểu xếp lá: Là kiểu phân bố của các lá cây trên thân hoặc cành cây theo một quy luật xác định, đặc trưng cho từng loài. Những kiểu thường gặp là:

Lá mọc so le: Ở mỗi mấu chỉ mang một lá. Các lá thường phân bố theo đường xoắn ốc.

Lá mọc đối: Các lá mọc đối nhau trên một mấu của cành, thân. Cặp lá trên và cặp lá dưới không che lấp nhau.

Lá mọc vòng: Lá xếp ba cái một hoặc nhiều hơn ở mỗi mấu thành từng vòng lá riêng biệt.

Lá mọc cụm: Số lượng lá nhiều, đốt rất ngắn; các lá tạo thành bó.

4. Hoa: Hoa là cơ quan sinh sản đặc trưng của Thực vật hạt kín hay Thực vật có hoa. Hoa thường ở ngọn thân hoặc cành. Cấu tạo của hoa điển hình gồm có: cuống hoa, đế hoa, đài và tràng (họp thành bao hoa), bộ nhị và bộ nhụy (bộ phận có chức năng sinh sản). Bộ nhị gồm có nhiều hay it nhị mỗi nhị có chỉ nhị mang các bao phấn chứa nhiều hạt phấn. Bộ nhụy gồm một đến nhiều lá noãn tạo thành nhụy, có bầu, vòi nhụy và đầu nhụy hay núm nhụy. Trong bầu có nhiều hay it noãn. Hình dạng, màu sắc, mùi hương, số lượng các thành phần trong hoa thay đổi tùy từng loại cây.

 

Các dạng tràng hoa thường gặp là:

Tràng cánh phân: Các cánh hoa xếp bên nhau, nhưng không dính liền nhau ngay ở gốc cánh. Tràng cánh phân đều ở tràng hoa họ Cải Brassicaceae. Tràng cánh phân không đều như tràng cánh bướm ở hoa họ Đậu - Fabaceae.

Tràng cánh hợp: Các cánh hoa dính với nhau hoàn toàn hoặc chỉ dính ở gốc. Thường gặp các dạng tràng hoa dạng ống, dạng phễu, dạng chuông, dạng đàn, hình bánh xe (dạng vòng), hai môi, hình lưỡi.

Các kiểu cụm hoa: Hoa có thể mọc riêng lẻ, nhưng thường tập hợp thành cụm hoa (hay hoa tự, phát hoa). Trục của cụm hoa có thể đơn hay phân nhánh. Trục hoa chỉ có các lá bắc đơn giản. Các lá bắc này có khi họp thành bao chung. Số lượng hoa trong một cụm hoa có từ một hoa cho tới hàng vạn hoa.

Các kiểu cụm hoa thường gặp là:

Cụm hoa chùm: Chùm được cấu tạo bởi một trục có độ dài khác nhau

mang một số hoa phân bố trên chiều dài của trục. Hoa mọc ở nách lá bắc, mỗi hoa có một cuống nhỏ gần bằng nhau. Như các kiểu cụm hoa họ Đậu - Fabaceae.

Cụm hoa chùm kép: Chùm hoa mà trong đó trục chính dài và phát triển phân nhánh đơn như chùm, còn các nhánh bên là những chùm nhỏ. Như cụm hoa Nho, Quế.

Nếu các trục thứ cấp đơn hay kép xuất phát từ nhiều điểm khác nhau của trục sơ cấp và có chiều dài giảm dần từ thấp đến cao, toàn bộ cụm hoa có hình nón, thì đó là cụm hoa chùy.

Cụm hoa bông: Cụm hoa chùm mang hoa không cuống hoặc có cuống rất ngắn, do đó các hoa tựa như đính trên trục của cụm hoa. Còn gọi là gié. Như hoa họ Cỏ - Poaceae.

Cụm hoa bông mo: Bông có một trục mang hoa không cuống, bao bọc bởi một lá bắc to(mo). Bông mo có thể không phân nhánh như cụm hoa họ Ráy - Araceae, hoặc phân nhánh như cụm hoa họ Cau - Arecaceae.

Cụm hoa tán: Cụm hoa trong đó các nhánh cùng xuất phát từ một điểm và toả ra đều nhau, nên các hoa nằm trên cùng một mặt phẳng. Như hoa Hành, Tỏi và các cây họ Hoa tán.

Cụm hoa tán kép: Tán trong đó mỗi nhánh của tán mang một tán con, có một bao chung nhỏ kèm theo. Như tán kép của một số loài cây thuộc họ Hoa tán - Apiaceae(Cà rốt, Thìa là...).

Cụm hoa ngù: Cụm hoa chùm có các cuống cấp hai ở trên những điểm khác nhau của thân nhưng đều cũng đạt tới một mức độ ngang nhau, có dạng chung hình tán. Như cụm hoa cây Mận.

Cụm hoa xim: Cụm hoa có hạn trong đó mỗi cuống hoa tận cùng bởi một hoa và từ đó, ngừng sinh trưởng. Xim bò cạp có các hoa chỉ tập trung theo một phía của hợp trục, tạo cho cụm hoa có dạng đuôi bò cạp. Còn ở cụm hoa xim co, các trục hầu như co ngắn lại tới mức tối thiểu, hoa bị thui nhiều, cụm hoa trở thành không đều.

 

Cụm hoa hình rổ: Các hoa không cuống hay gần như không cuống xếp sít nhau trên trục thành khối hình cầu, ở các hoa họ Cúc, các hoa không cuống đinh trên một trục rất ngắn, có phần tận cùng phát triển dày và rộng, lõm, phẳng hoặc có khi lồi. Mỗi hoa mọc ở kẽ một lá bắc riêng gọi là vẩy, các lá bắc ngoài không sinh sản, tập trung xung quanh cụm hoa thành bao chung để bảo vệ cụm hoa khi còn là nụ. Còn gọi là đầu trạng, hoa dầu. Như hoa cây họ Cúc - Asteraceae.

5. Quả: Quả hay trái cây là cơ quan của thực vật hạt kín phát triển từ hoa sau khi thụ tinh: nó bảo vệ và phát tán hạt khi quả chín. Quả có thể đơn (do một bầu phát triển) hoặc kép (do nhiều bầu của cả cụm hoa phát triển).

Vỏ quả là vách của quả, phát triển từ vách của bầu. Nó gồm ba lớp là vỏ quả ngoài, vỏ quả giữa và vỏ quả trong. Vỏ quả giữa là phần chủ yếu, có chứa các chất dự trữ, mọng nước, nạc hay không. Còn vỏ quả trong, có khi hoá gỗ và phân biệt với vỏ quả giữa (như ở Đào, Mận, Dừa), có khi phát triển thành những lông tuyến mọng nước (như tép của Cam, Quít, Bưởi).

Cũng có những loại quả mà vỏ quả khô đi và khi chín sẽ nứt ra (quả nang, quả đại, quả đậu, quả hộp) hay không nứt ra (quả bế, quả có cánh).

Ta thường gặp các dạng quả sau: quả bế, quả kiên, quả chóc, quả có cánh, quả đại, quả đậu, quả cải, quả cải nhỏ, quả hộp, quả hạch. Còn những dạng quả kép như quả tụ, quả phức.

Quả bế: Quả khô không mở do một hoặc nhiều lá noãn tạo thành nhưng chỉ có một ở trong đó chứa một hạt, vỏ hạt riêng biệt với vỏ quả. Quả bế có khi có phần phụ kéo dài hình sợi như chiếc dù, giúp cho sự phát tán. Như quả của nhiều cây họ Cúc - Asteraceae.

Quả kiên: Vỏ quả ngoài cứng lại, hoá gỗ, không mở, chứa một hạt, xếp từ 1 - 3 quả trong một bao chung hình cái đấu bao ở gốc. Như quả của cây hạt Dẻ.

Quả thóc hay quả đĩnh: Quả khi khô, chín không mở, vỏ quả và vỏ hạt dính liền nhau, ngoài quả thường có một rãnh nhỏ, lông tơ hay gờ nổi. Như quả cây họ Cỏ - Poaceae.

Quả có cánh hay quả đực: Quả khó không mở. Trên quả có phần phụ là những cánh mỏng, phẳng do đài phát triển lên hoặc những gờ mỏng chạy xung quanh do vỏ quả ngoài tạo thành.

Quả đại: Quả khô khi chín mở theo một đường nứt dọc thành hai mảnh nhỏ dính liền nhau. Quả một ô do một lá noãn tạo thành, trong chứa một hoặc nhiều hạt.

Quả đậu hay quả giáp: Quả khô một ô, thường tự mở theo hai khe dọc, một theo đường bụng, một theo đường lưng của mép lá noãn thành 2 mảnh vỏ, mỗi mảnh đều mang một dây hạt. Như quả cây họ Đậu Fabaceae.

Quả cải hay quả giác: Quả khi khó chín, nứt ra theo 4 đường dọc, mở thành 2 mảnh vỏ để lại một vách ngăn ở giữa mang hạt. Thường quả có hình trụ, chiều dài gấp nhiều lần ơn chiều rộng một it. Như quả cây họ Cải Brassicaceae.

Quả nang: Quả do một số lá noãn tạo thành, khi khó mở ra theo các cách: mở vạch, mở lỗ, mở ngăn, mở bằng nắp (quả hộp).

Quả thịt: Quả do một số lá noãn hợp thành, thường mềm hay nạc, không mở. Vỏ quả ngoài thường dai, vỏ quả giữa và vỏ quả trong hoá thịt (cơm quả) chứa nhiều dịch.

Quả hạch: Quả thịt không mở, thường chỉ có các lớp vỏ bao bọc một hạt, vỏ quả ngoài tương đối mỏng, nạc hay dai, vỏ quả giữa nạc là phần thịt, còn vỏ quả trong hoá gỗ, tạo thành hạch cứng bao lấy hạt. Như quả Đào, quả Táo.

Quả tụ: Quả hình thành bởi một hoa mà bộ nhụy gồm một tập hợp nhiều lá noãn xếp sít nhau, nhưng không hàn liền. Như quả cây Dâu tây, quả cây Hoa hồng.

Quả phức: Quả hình thành do một khối nguyên vẹn của nhiều hoa độc lập tụ họp lại mà thành. Nói cách khác, quả phức là quả do cả một cụm hoa tạo nên. Như quả Sung,Ngái,Mít,Dứa.

 

II. Tên gọi của cây cỏ:

Ở mỗi nước, người ta đều đặt tên gọi cây cỏ theo tiếng nói của nhân dân nước đó. Sự khác nhau về tên gọi đã gây trở ngại cho việc giao lưu, trao đổi các giống cây từ nước này sang nước khác. Các nhà thực vật học đã mong muốn tìm một ngôn ngữ thống nhất để mô tả, gọi tên các loài cây, nhưng họ cũng đã gặp không ít khó khăn. Chính vì nguyên nhân đó mà Carl Linnaeus, nhà thực vật học Thụy Điển, trong công trình Species Plantarum xuất bản năm 1753, đã đề xướng ra cách gọi các loài thực vật gồm hai từ, mà sau này người ta thường gọi là: Danh pháp lưỡng nôm, trong đó mỗi tên cây được xác định bởi tên của chi (Genus) và tên của loài (Species) trong chi đó.

Danh pháp này đã được các nhà thực vật học trên thế giới vận dụng để đặt tên các loài cây trên thế giới. Nó đã được chỉnh lý và bổ sung trong nhiều Hội nghị quốc tế về thực vật học, mà ở đó, người ta thay đổi, bàn bạc để tìm ra một tên gọi thống nhất cho mỗi một loài cây. Danh pháp lưỡng nôm đã thay thế dần dần các tên gọi địa phương, giúp cho việc phân biệt cây cỏ và góp phần vào việc trao đổi thông tin khoa học trong lãnh vực thực vật học và các ngành có liên quan. Tên khoa học hai từ như vậy được dùng thống nhất đối với tất cả các nước.

Chúng ta có thể lấy ví dụ về một loại cây của nước ta như cây Cau chẳng hạn. Người Việt Nam cũng như những người biết tiếng Việt có thể hình dung ra cây Cau khi nghe đến tên gọi của nó. Nhưng người nước ngoài không thể hình dung được. Linné (Carl Linnaeus) đã dựa vào tên gọi cây cau theo tiếng Ấn Độ là Arec để đặt tên cho chi của các loài Cau Areca. Người ta viết chi này cho đúng luật là Areca L.. tức là tên chi kèm theo tác giả đặt ra nó. Tẽn khoa học của loài cau Ià Areca catechu L. do Linné khởi xướng được các nhà thực vật học khác trên thế giới công nhận. Tên khoa học này dùng để chỉ cây cau được sử dụng trong tất cả các tài liệu, văn bản, công trình nghiên cứu về thực vật học. Trong ngành Dược, người ta sử dụng các bộ phận khác nhau của cây Cau, như hạt cau - Semen arecae, tức là vị thuốc Binh lang: vỏ ngoài của quả cau - Pericarpium arecae, tức là vị thuốc Đại phúc bì. Cũng từ tên Areca, mà người ta gọi tên các alcaloid có trong hạt cau như Arecolin, Arecaidin... Chúng ta cũng làm giàu cho nguồn dược liệu bằng những loại cây nhập nội, như cây Actisô, vốn xuất xứ từ tiếng Pháp là Artichaut, có tên khoa học là Cynara scolymus L.

Mỗi một loại cây có thể có một tên khoa học hoặc nhiều tên khoa học do có một hay nhiều tác giả cùng mô tả chúng vào những thời điểm khác nhau. Do thiếu những trao đổi thông tin, hoặc do thiếu những văn liệu đối chứng, hoặc do quan niệm khác nhau... Những sai sót, lầm lẩn đều được giải quyết ở những Hội nghị quốc tế về thực vật học. ở đó, người ta thường thống nhất lại và quy định tên nào là có hiệu lực về danh pháp và được coi là chính thức. Khi đã có một tên chính thức, thì các tên khác được gọi là tên đồng vật hay đồng nghĩa.

Mỗi tên khoa học của một loại cây được quy định bởi:

Tên Chi (Genus) phải là một danh từ nguyên cách số ít. Chữ đầu phải viết hoa. Tên chi là một từ Latin hoặc Hy Lạp được Latin hoá, hoặc danh từ riêng được Latin hoá. Tên chi thường được đặt theo nội dung về đặc tính, theo tên người, tên đất hoặc tên thần thoại và một số tên do địa phương đặt sẵn và được Latin hoá (như trường hợp Arec thành Areca).

Tên Loài (Species) gồm hai từ, từ đầu là tên chi, từ thứ hai chỉ tên loài. Chữ đầu tên loài viết thường. Tên loài phải là một từ hoặc một từ ghép thuộc một trong các dạng sau. - Tính từ nguyên cách số ít, hợp với tên chi về ngữ pháp: - Danh từ nguyên cách số ít làm định ngữ cho tên chi; - Danh từ sinh cách; - Tính từ sinh cách.

Tên loài thường được đặt theo nội dung về đặc tinh, tình trạng thực vật, theo tên người, tên đất hoặc thần thoại.

Tên tác giả kèm theo tên chi hoặc tên loài do tác giả đó đặt. Tên này thường là tên viết tắt họ của tác giả, thường chỉ gồm một âm tiết (nếu tên gồm nhiều âm tiết), hoặc giữ nguyên tên (nếu chỉ có một âm tiết).

Trong các công trình về thực vật học, tên tác giả kèm theo tên chi và loài thường được in theo một kiểu chữ khác để phân biệt. Có khi sau tên chi và tên loài lại có những tên tác giả phức tạp hơn. Lấy ví dụ về cây Hoàng lan hay Ngọc lan hay cây Ylang ylang:Cananga odorata (Lam.) Hook.f.et Thoms. Được ghi nhận như sau:

Vào thế kỷ 19, Lamarck đặt tên cây này là Uvaria odorata Lam. Nhưng đến năm 1855, hai tác giả người Anh là Joseph Dalton Haoker Thomas Thomson đã xem xét lại và xếp cây này vào chi khác là Cananga (cũng do hai ông đặt ra). Theo luật có trước, tên loài odorata do Lamarck đã đặt trước đó vẫn được giữ lại. Do đó mà có tên loài như trên và tên Lamarck được đặt trong ngoặc để tôn trọng người đầu tiên đặt tên cho loài này. Trong tên cây đó, ta có thể hiểu là nó thuộc chi Cananga. loài odorata, do Lamarck nêu trước tiên, được Haoker Filius (Joseph Dalton Hooker, con trai của William Jackson Hooker) và Thoms. (Thomas Thomson) chỉnh lý lại. Vì có hai tác giả cũng tham gia mô tả giới thiệu cây này, nên giữa hai tên họ được nối với nhau bởi từ et (có nghĩa là và).

Có khi một loài cây do tác giả trước công bố chưa có đầy đủ tư liệu, mà tác giả sau công bố hợp pháp, đúng luật, thì tên họ tác giả sau được gán với của người đã đề nghị trước bởi chữ ex. Như trong tên cây Sổ xoan - Dillenia ovataWall. ex Hook. f. et Thoms, hay cây Ba gạc hoa đỏ - Rauvolfia serpentina (L.) Benth. ex Kurz, 1877 v.v...

 

III. Phân loại các loài cây

Thế giới thực vật rất đa dạng. Làm thế nào để phân biệt những sự khác nhau giữa nhóm này với nhóm khác, cây này với cây khác. Từ thời Thượng cổ, các nhà khoa học đều thử sắp xếp cây cỏ theo những trật tự nhất định để có thề nhận biết chúng một cách dễ dàng. Người ta cố gắng tìm những đặc điểm giống nhau để sắp xếp cây cỏ vào từng nhóm, nhưng lại dựa vào những đặc điểm sai khác để phân biệt nhóm này với nhóm kia. Cho đến thế kỷ 18,Carl Linnaeus mới nêu khái niệm về loài. Loài được xem như là đơn vị cơ bản nhất.

Làm thế nào để phân biệt được một loài cây này với một loài cây khác. Người ta đã tìm những mối quan hệ giữa cây cỏ với những sự vật khác để gọi tên. Có thể đó là những đặc điểm về hình thái ngoài, về màu sắc, về công dụng v.v... Vi dụ: người ta đặt tên cây Rau má với ý nghĩa là cây đó được sử dụng làm rau ăn, nhưng lá của nó có hình dạng của cái má người ta. Cũng vậy, cây Rau má lá rau muống với ý nghiã là lúc còn non, cây này giống cây Rau má, nhưng khi cây trưởng thành, có cụm hoa, thì những lá ở phía ngọn cây lại có hình dạng của lá Rau muống. Con người đã tìm mọi cách để nhận thức cây cỏ và tuỳ theo người đặt tên mà cùng một cây, các địa phương khác nhau lại có tên khác nhau. Những tên được chấp nhận và dùng quen trở thành tên thông dụng.

Các nhà khoa học đã tìm cách đặt cho mỗi loài cây một tên gọi. Với danh pháp lưỡng nôm, việc phân loại thực vật gặp nhiều thuận lợi. Vi dụ như các loài Na, bao gồm Na hay Mãng cầu, Mãng cầu xiêm, Bình bát hay Nê, Bình bát nước, đều có những đặc điểm giống nhau về dạng cây, dạng lá, dạng hoa và cách hình thành quả mọng kép. Nhưng khi xếp các loài này vào cùng một chi Annona vào năm 1753, Linné đã phân biệt ra: - Annona squamosa L., cây Na, có vỏ quả gồm những vảy nhỏ xếp sít nhau (squamosus, có nghĩa là có vẩy) - Annona reticulata L., cây Bình bát, có vỏ quả xếp sát vào nhau như các mắt của một mạng lưới (reticulatus, có mạng, như mạng lưới) - Annona muricata L., cây Mãng cầu xiêm, có vỏ quả phủ gai ngắn (muricatus, có gai ngắn và to) - Annona glabra L., cây Bình bát nước, có vỏ quả nhẵn (glaber, glabra, nhẵn, không lông).

Chi Annona L. được xếp vào họ Na - Annonaceae Juss. (do Antoine Laurent de Jussieu đặt ra năm 1789). Họ Na - Annonaceae gồm tới 125 chi được xếp vào những bộ khác nhau trong những lớp khác nhau, tuỳ theo hệ thống chủng loại phát sinh của các nhà phân loại học thực vật. Ví dụ: - Thuộc bộ Ranales, nhóm bộ Thalamiflorae, phân lớp Polypetalae (Theo Bentham Hooker): - Thuộc bộ Annonales, liên bộ Magnolianae, phân lớp Magnoliidae (Theo Takhtajan): - Thuộc bộ Magnoliales, phân lớp Magnoliidae (Theo Cronquist).

Các phân lớp này được xếp vào lớp hai lá mầm - Dicotyledones (theo Bentham et Hooker), hoặc Magnoliopsida (Theo Takhtajan Cronquist) trong ngành thực vật hạt kín - Angiospermae hay ngành Ngọc lan Magnoliophya.

 

Các nhà thực vật học đã chia Giới thực vật ra thành những bậc phân loại như sau:

Ngành và phân ngành

Lớp và phân lớp

Bộ và phân bộ

Họ và phân họ

Tông và phân tông

Chi và phân chi

Tổ và phân tổ

Loại và phân loại

Loài và phân loài

Thứ và phân thứ hay giống trồng

Dạng và phân dạng v.v...

 

Trong các bậc phân loại này thì loài (Species) là đơn vị cơ bản. Người ta xếp loại vào chi (Genus), xếp các chi vào họ (Famillia) tương ứng. Các họ này tuỳ theo hệ thống phân loại của các tác giả mà có sự khác nhau trong tên gọi.

Trong websiteSinh vật rừng Việt Nam này, để đảm bảo sự nhất quán, chúng tôi sắp xếp các họ cây theo hệ thống của Armen Takhtajan trong công trình Systema Magnoliophytorum (Bản tiếng Nga) xuất bản năm 1987, có tham khảo điều chỉnh tên các chi theo R.K. Brummitt trong công trình Vascular plants Families and Genera do Vườn thực vật Hoàng gia Kew xuất bản năm 1992.

 

----------------------------------------------------------

Tài liệu dẫn: Từ điển cây thuốc Việt Nam - Võ Văn Chi.

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này