Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

LÀM SAO ĐỂ VIẾT HOA TÊN MỘT SINH VẬT CHÍNH XÁC

Đỗ Xuân Cẩm – Giảng viên Đại học Huế

Phần 1: Một vài nguyên tắc gọi tên bậc phân loại thực, động vật...

 

Phần 2: Thuật ngữ chi "giống" trong phân loại sinh vật...

Phần 6: Hướng dẫn cách viết Latin dược liệu...

Phần 3: Danh pháp loài...

Phần 7: Hướng dẫn cách đọc Latin...

Phần 4: Danh pháp các taxon thuộc các bậc phân loại trên loài...

Phần 8: Một số "gốc từ" và "dạng tổ hợp" gốc Hi lạp và Latin...

Phần 5: Làm sao để viết hoa tên một sinh vật chính xác...

Phần 9: Danh pháp chi thực vật - viết sai - giải pháp...

 

Danh pháp khoa học

Việc viết danh pháp khoa học các taxon động, thực vật đã được quy định rạch ròi trong các bộ luật quốc tế ICBN (International Code of Botanical Nomenclature) và ICZN (International Code of Zoological Nomenclature), không có gì phải tranh luận, vì các bộ luật đó là sản phẩm của các Hội nghị quốc tế chuyên ngành, chứ không do một tác giả hay một nhà khoa học nào đơn phương biên soạn và bất kỳ ai làm khoa học mà không muốn tự cô lập mình thì đều phải tuân thủ.

Theo đó, tất cả tên các taxon từ bậc chi (genus) trở lên đều được viết hoa. Ví dụ:

- Canis (chi Chó), Pinus (chi Thông)…

- Canidae (họ Chó), Pinaceae (họ Thông)…

- Carnivora ( bộ Ăn thịt), Pinales (bộ Thông)…

- Mammalia (Lớp Thú), Pinopsida (lớp Thông)…

- Chordata (ngành Dây sống), Pinophyta (ngành Thông)…

- Animalia (giới Động vật), Plantae (giới Thực vật)…

Riêng tên taxon bậc loài và dưới loài, bao gồm 2 từ trở lên, được quy định viết hoa từ đầu (tên chi), những từ còn lại không bao giờ viết hoa. Ví dụ:

- Trong các danh pháp loài Canis lupus (loài Chó sói xám), Pinus dalatensis (loài Thông năm lá Đà Lạt)… lupus dalatensis là những tính ngữ loài (E.: specific epithet) chỉ đặc điểm của loài, không viết hoa. Nhiều tên loài có tính ngữ là tính từ hoặc danh từ dạng sở hữu cách bắt nguồn từ danh từ riêng (tên người, địa danh) thì cũng không viết hoa (có người nhầm tưởng đó là danh từ riêng nên đã tự ý viết hoa). Ví dụ:

- Trong danh pháp loài Pinus merkusii hoặc Pinus merkusiana (Thông nhựa), merkusii là danh từ sở hữu cách, merkusiana là tính từ (bắt nguồn từ Merkus) không phải là danh từ riêng nên không viết hoa.

- Trong danh pháp loài Pinus caribaea (Thông Caribe), caribaea là tính ngữ (bắt nguồn từ địa danh Caribe), không phải là danh từ riêng nên không viết hoa.

- Trong danh pháp phân loài Trachypithecus francoisi delacouri (phân loài Voọc mông trắng), francoisi là tính ngữ loài và delacouri là tính ngữ phân loài, đều là dạng danh từ sở hữu cách (bắt nguồn từ François và Delacour), không phải là danh từ riêng nên không viết hoa.

- Trong danh pháp thứ Pinus caribaea var. bahamensis (thứ Thông Bahama), bahamensis là tính ngữ (bắt nguồn từ địa danh Bahama), không phải là danh từ riêng nên không viết hoa…

 

Tên tiếng Việt

Như vậy, cách viết hoa danh pháp các taxon động, thực vật không phức tạp; còn cách viết hoa tên các taxon bằng tiếng Việt thì sao?

Hiện nay, cách viết tên tiếng Việt các taxon còn rất tùy tiện, rất cần có quy định của một cơ quan tối cao tầm quốc gia, vì cho mãi tới nay vẫn có nhiều bất đồng trong các văn bản khoa học, các tài liệu lưu trữ và cả trong các giáo trình, bài giảng ở các cấp học.

Xem xét vấn đề viết hoa hay không viết hoa tên động, thực vật bằng tiếng Việt, tôi thấy có mấy xu hướng như sau:

1. Không viết hoa tất thảy: chó sói, chó nhà, mèo rừng, mèo nhà, lúa ma, lúa trồng, phượng vĩ, bằng lăng, mảng cầu xiêm, cỏ lào, sến trung…

2. Chỉ viết hoa tính ngữ chỉ địa danh hay tên người: mảng cầu Xiêm, cỏ Lào, sến Trung, lan hài Hằng, lan hài Cảnh…

3. Viết hoa từ thứ nhất, không viết hoa những từ còn lại (tính ngữ): Chó sói, Mèo nhà, Phượng vĩ, Bằng lăng, Mảng cầu xiêm, Cỏ lào, Lan hài hằng…

4. Viết hoa từ thứ nhất, không viết hoa những từ còn lại, ngoại trừ đó là tên người, địa danh: Phượng vĩ, Bằng lăng, Mảng cầu Xiêm, Lan hài Hằng, Lan hài Cảnh…

5. Viết hoa tất cả: Phượng Vĩ, Bằng Lăng, Mảng Cầu Xiêm, Lan Hài Hằng…

Do có hiện tượng đa dạng cách viết như thế cho nên lắm lúc cùng trong một tài liệu, thậm chỉ chỉ vài trang mà cách viết cũng không nhất quán, khiến người đọc nghĩ rằng người viết quá tùy tiện. Điều tai hại là hiện tượng đó lại rơi vào tài liệu học tập (bài giảng, giáo trình, sách tham khảo, trang web…) đã vô tình giáo dục cho tầng lớp học sinh, sinh viên tính tùy tiện. Tuổi học trò mà tùy tiện thì ra đời e khó sửa đổi và hậu quả sẽ như thế nào chắc mọi người đã thấy. Tôi nghĩ rằng, trong đổi mới giáo dục cũng cần nghĩ tới điều này, vì đó chính là “dạy người”.

Như đã dẫn, chỉ khi nào có một bộ luật, chí ít cũng là một quy định mang tính pháp lý thì mới mong có được sự thay đổi. Một khi chưa có sự ràng buộc pháp lý thì rất khó nhất quán, vì ai cũng có quyền thể hiện cảm nhận và quan điểm của mình.

Khi chúng tôi viết hoa tên cây bằng tiếng Việt, có người đã bảo rằng, cây cỏ thì có gì mà phải viết hoa, tên người viết hoa là để tôn trọng nhau. Kiểu tư duy đó theo tôi là không công bằng, cỏ cây cũng là sinh vật nếu không muốn nói là chúng đã quyết định sự tồn tại của loài người. Hơn thế nữa, đâu phải viết hoa là tôn trọng mà là để phân biệt giữa loài này với loài khác, giữa chi này với chi khác, giữa họ này với họ khác… đồng thời nó bao hàm ý nghĩa xác định nhóm đối tượng có thật, được chỉ định cụ thể bằng một số đặc điểm nhất định, khác với trường hợp nói chung chung. Ví dụ: Vườn nhà tôi được trồng rất nhiều chuối 1 , bao gồm Chuối tiêu 2 , Chuối ba hương 3 , Chuối mật 3 … (1: từ chỉ khái niệm chung, không viết hoa; 2, 3, 4: tên từng loài chuối cụ thể nên được viết hoa). Mặc dù biết thế, nhưng các bài báo của tôi được đăng tải ở vài tờ báo vẫn phải chấp nhận cách viết thường tất cả để tôn trọng số đông độc giả.

Dù sao thì tôi vẫn nghĩ rằng, trong khi chờ đợi một quy định có tính pháp lý, chúng ta nên viết hoa tên tiếng Việt các taxon động, thực vật theo quy tắc viết danh pháp quốc tế:

1. Tên các taxon thuộc các bậc phân loại trên loài đều phải được viết hoa. Nếu tên taxon đó bao gồm nhiều từ thì viết hoa từ đầu, những từ còn lại không viết hoa. Ví dụ: chi Lúa, họ Hòa thảo, bộ Cói, lớp Hành (lớp Một lá mầm), ngành Ngọc lan (ngành Hạt kín), giới Thực vật...

2. Tên taxon bậc loài viết hoa từ đầu, những từ sau không viết hoa. Ví dụ: Lúa ba trăng, Cà tím, Phượng vĩ, Bằng lăng, Bằng lăng tím, Chuối tiêu, Vú sữa, Lan nghinh xuân, Báo hoa mai, Voọc ngũ sắc, Hươu sao…

3. Một điểm khác với quy định viết danh pháp quốc tế là, trường hợp trong tên loài có một trong những từ sau là danh từ riêng thì nó phải được viết hoa, vì ngữ pháp tiếng Việt không có cách biến từ như ngữ pháp La-tinh. Ví dụ: Thông Caribe, Lim xẹt Bắc bộ, Sến Trung, Quế Balanse, Thông Merkus, Cỏ Lào, Mảng cầu Xiêm, Cà ổi Ấn, Lan hài Hằng, Lan hài Cảnh, Voi châu Á… Viết như thế vừa đúng nguyên tăc viết hoa danh từ riêng trong ngữ pháp tiếng Việt, vừa tránh được những nhầm lẫn về đặc điểm của loài. Chẳng hạn như Sến Trung là Sến Trung Quốc ( Homalium hainanense ), nếu viết Sến trung có thể làm cho người đọc hiểu là loài Sến thuộc nhóm cây gỗ nhỡ; viết Lan hài Cảnh là loài Lan hài do Chu Xuân Cảnh phát hiện ( Paphiopedilum canhii ), nếu viết Lan hài cảnh có thể làm cho người đọc hiểu đó là một loài Lan hài làm cảnh (kiểng).

Như trong đoạn đầu bài đã nói, tính ngữ loài không bao giờ viết hoa, ở đây hainanense trong Homalium hainanense là tinh từ mang nghĩa “ở Hải Nam” chứ không còn là danh từ riêng nữa, tương tự như thế, canhii trong Paphiopedilum canhii là dạng sở hữu cách của danh từ riêng “Cảnh” sau khi Latin hóa.

4. Nhân đây, tôi cũng nghĩ rằng khi cần chuyển ngữ một danh pháp loài không nên chuyển đổi nửa vời bằng cách để nguyên tính ngữ hoặc dùng một vài âm tiết của tính ngữ. Làm như thế sẽ tạo ra sự khập khểnh, vô nghĩa hoặc hình thành một loại ngữ pháp lắp ghép máy móc. Theo tôi, nên tìm tính ngữ tương đương, hoặc thay tính ngữ phù hợp; trong trường hợp tính ngữ là một tính từ hoặc danh từ sở hữu cách chỉ tên người hay địa danh thì có thể chuyển đổi thành ngôn ngữ gốc. Ví dụ:

- Thay vì chuyển Eucalyptus camaldulensis thành Bạch đàn trắng hoặc Bạch đàn Camaldule thì nhiều người đã viết Bạch đàn camal, chẳng có ý nghĩa gì. Thay vì chuyển Eucalyptus urophylla thành Bạch đàn đỏ thì có người đã viết Bạch đàn uro, cũng chẳng có nghĩa gì.

- Thay vì chuyển Pinus caribaea thành Thông Caribe hoặc Thông Caribbean thì có người lại viết Thông caribaea. Viết như thế là dùng một tính từ giống cái La-tinh bổ nghĩa cho một danh từ tiếng Việt.

 

Hy vọng qua một số suy nghĩ vừa nêu, chúng tôi sẽ nhận được những chia sẻ thiết thực để cùng nhau góp phần vào việc làm trong sáng tiếng Việt nói chung, chuẩn hóa một phạm trù cụ thể được ứng dụng rộng rãi không chỉ trong Sinh học mà cả các lĩnh vực liên quan nói riêng.

 

 

 

 

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này