Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NHỮNG LOÀI MÃNG XÀ KHỔNG LỔ Ở VIỆT NAM

Bài Ảnh: Phùng mỹ Trung - WEB ADMIN

 

Trong số hơn 300 loài rắn đã được phát hiện và công bố ở Việt Nam thì mỗi loài đều có những đặc tính sinh thái và sắc màu khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện và môi trường sống. Mỗi loài có kích thước khác nhau để tồn tại trong môi trường hoang dã chính là vũ khí lợi hại để các loài rắn có thể lẩn tránh kẻ thù cũng như tìm kiếm thức ăn trong cuộc đấu tranh sinh tồn đầy khó khăn và nguy hiểm của tự nhiên.
Trải qua hàng nhiều triệu năm sinh tồn, kích thước của các loài rắn này đã phát triển thành những kẻ khổng lồ để phù hợp với môi trường sống tự nhiên và khi có sức mạnh việc tấn công kẻ khác trở nên dễ dàng hơn và ngược lại những kẻ thù nhỏ bé hơn sẽ phải “chịu phép” khi có ý định tấn công chúng. Đây là một phần tất yếu trong đời sống hoang dã ở bất cứ đâu trên trái đất này và đã tạo nên một bức tranh sinh động trong thiên nhiên.

Tuần này website xin gửi  đến độc giả nâng tầm hiểu biết vê những loài Mãnh xà khổng lồ ờ Việt Nam.

 

1. TRĂN ĐẤT Python molurus 
Đây thực sự là loài đoạt giải quán quân về kích thước, cân nặng trong các loài rắn tìm thấy ở Việt Nam. Một số cá thể tìm thấy ở Vườn quốc gia U Minh đạt đến độ dài khoảng 8m (kích thước trung bình khoảng từ 4 - 6m). và cân nặng hơn 120kg.  Với cái đầu dài, nhỏ, có màu nâu xám, mặt trên đầu có hoa văn hình mũi mác di từ cổ, mũi nhọn hướng về phía đầu mõm. Hai tấm vảy môi trên có trên mỗi tấm vảy một lỗ (lỗ môi là cơ quan cảm giác nhiệt). Mặt trên lưng có màu xám nhạt hay vàng nhạt có một dãy những vết lớn dài, màu nâu đỏ viền đen. Mặt bụng màu vàng hay nâu vàng có những đốm nâu hay đen.
ở đồng bằng Nam bộ, chúng ưa sống ở những nơi đầm lầy, rừng tràm,  rừng sú vẹt ngập nước, đôi khi còn xâm nhập cả vào những khu vực có vườn cây. ở miền Bắc Việt Nam về mùa đông, Trăn đất trú đông từ 2 đến 4 cá thể trong những hang hốc tự nhiên để tránh rét. Chúng chủ yếu đi  kiếm mồi vào ban đêm, nhiều nhất vào lúc xẩm tối. Chúng ưa ngâm mình vào trong nước trong những ngày nóng bức. Trăn đất ăn những loài thú nhỏ (chủ yếu gặm nhấm, đôi khi cả hươu nai cỡ nhỏ, chim và những loài ếch nhái, bò sát). Sinh sản hàng năm.

Được xếp vào  danh lục CITES phụ lục II. Bổ sung Nghị định 32/HĐBT, nhóm IB. Nhóm động vật nghiêm cấm khai thác và sử dụng. Cần thực hiện triệt để việc cấm săn bắt và buôn bán trái phép. Cần thành lập các trại nuôi tập thể, khuyến khích nuôi gia đình ở những địa phương có nghề bắt trăn, rắn truyền thống.

 

 

  TRĂN ĐẤT - Python molurus - Ảnh: Phùng mỹ Trung  

 

2. TRĂN CỘC Python brongersmai
Trăn cộc là một loài rắn cỡ lớn và trong số 3 loài trăn thuộc giống Python phân bố ở Việt Nam thì trăn cộc Python brongersmai là loài có kích thước nhỏ nhất và cũng là loài hiếm nhất. Trăn cộccó vùng phân bố hẹp ở miền Nam Việt Nam và phân bố khá rộng ở một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia.Loài trăn này không chỉ ngắn, mập mà còn có nhiều màu sắc phong phú trên từng cá thể như đen, đỏ thẫm, vàng ngọc và trắng với hoa văn rất lạ, đẹp. Loài trăn này phân bố khá rộng ở một số quốc gia lân cận  như  Malaysia, Indonesia, Singapor và Thái Lan, Cambodia … và theo các tài liệu ghi lại, năm 1970 nhà động vật học Campden phát hiện và ghi nhận loài này được buôn bán ở Sài Gòn - miền Nam Việt Nam. Cho mãi đến năm 1977 Grandison cũng ghi nhận loài được nuôi ở Bình Thuận, thành phố HCM và Cà Mau. Mới đây năm 2005 nhà nghiên cứu bò sát Việt Nam Tiến sỹ Nguyễn quảng Trường cùng các đồng sự cũng đã ghi nhận loài này được buôn bán và nuôi ở một số trại nuôi tại thành phố HCM. Tuy nhiên những dữ liệu rời rạc trên chưa thế khẳng định chắc chắn loài trăn cộc thực sự là loài có vùng phân bố chính xác ở nước ta vì không ai nhìn thấy và thu mẫu ở rừng Việt Nam.
Loài trăn này có đầu nhỏ, hình tam giác, ở mỗi bên mép trên có hai hõm vảy nằm ở 2 vảy mép sát đầu mõm. Có 2 gai nhỏ (hình cựa) ở 2 bên lỗ hậu môn. Trăn cộc có đầu màu vàng nhạt, có một vệt xám đen chạy từ mõm bao hết phần má, môi trên và dưới kéo dài ra tới cổ. Lưng xám, chính giữa lưng có hàng chấm sáng lớn ở giữa sáng hơn, càng về cuối thân các vết đốm này kéo dài ra và nối lại với nhau ở sườn có những đốm xám rất to. Chiều dài cơ thể tới 2m.

Trong các nghiên cứu về phân loại sinh học thế giới từng có rất nhiều loài bị nghi ngờ có vùng phân bố ở Việt Nam do những công bố trước đây thiếu rất nhiều dữ liệu. Nguyên nhân chính là điều kiện thực tế thời điểm đó không cho phép các nhà khoa học có cơ hội để điều tra cũng như nghiên cứu sâu hơn… Chính vì thế mà đôi khi, những nghiên cứu tiếp theo về những loài bị nghi ngờ ấy tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành khoa học phân loại có sự phát triển bùng nổ nhờ vào các ứng dụng khoa học tiên tiến trên thế giới, trong đó có vai trò không nhỏ của Internet.

 

 

 

  TRĂN CỘC Python brongersmai - Ảnh: Phùng mỹ Trung  

 

3. TRĂN GẤM Python reticulatus
Với những hoa văn độc đáo và đẹp mắt như hình mắt của chiếc võng khiến chúng rất khó phân biệt khi cuộn mình trên lớp thảm mục thực vật hay quanh những gốc cây lớn trong rừng. thưa, savan,  cây bụi hay ven các rừng già, ở các đồi núi thấp có nhiều bụi rậm khô ráo và gần các vực nước, đầm lầy. Sức mạnh về cơ bắp trăn gấm tạo ra một cú đớp “nhanh như điện” với hàm răng sắc nhọn như những chiếc móc về phía sau khiến con mồi khó có cơ hội trốn thoát. Khi con mồi bị giữ chặt bằng chiếc hàm sắc khoẻ, trăn gấm dùng cơ thể khổng lồ của mình xiết chặt con mồi cho đến khi tắt thở nó sẽ buông lỏng con mồi và bắt đầu thưởng ngoạn bữa ăn ngon lành của mình.
Khả năng săn mồi độc đáo hơn của loài này là nó có thể leo lên cây và thích cuốn mình vào những cành cây chìa ra trên mặt nước. Ung dung nằm chờ con mồi đi ngang qua  để tấn công.
Đây là loài mãng xà cỡ lớn trong các loài rắn, có thể dài tới 6 – 7m. Đầu nhỏ dài, phân biệt rõ với cổ. Bốn tấm vảy môi trên đầu tiên, ở mỗi tấm có một lỗ cảm giác (lỗ môi). Lỗ môi cũng có ở các tấm vẩy môi dưới thứ hai, thứ ba và từ thứ mười hai cho đến thứ mười bảy hay mười tám. Ở chính giữa đầu có một đường màu đen mảnh đi từ mõm tới gáy. Có một đường màu đen mảnh đi từ mõm tới gáy và có thêm một đường màu đen mảnh đi từ sau mắt xiên xuống góc môi. Mặt lưng màu vàng be hay vàng nâu với những vân xám đen nối với nhau làm thành những mắt lưới. Mặt bụng và dưới đuôi có màu trắng hoặc vàng nhạt với những chấm nhỏ màu nâu xám hay đen. Cá thể cái trưởng thành thường lớn hơn cá thể đực trường thành.
Sống ở  rừng thưa, nơi có đồi núi thấp hoặc savan cây bụi, đặc biệt nơi sống đều ở gần môi trường nước. Trăn gấm bơi giỏi có tập tính tương tự như Trăn đất, Trăn gấm hoạt động về ban đêm, có thể đẻ tới 100 trứng/ lứa, trăn mẹ có tập tính cuốn lấy trứng. Trứng nở sau khoảng hai tháng rưỡi đến 3 tháng. Con non mới nở dài khoảng 60 đến 75cm. Trong điều kiện nuôi, chúng thích đầm mình cả ngày trong nước và ăn nhiều loại mồi. Thức ăn bao gồm những loài động vật đẳng nhiệt.

Có sự suy giảm  quần thể trầm trọng, cộng với sự suy giảm nơi cư trú và chất lượng nơi sinh cư trong quá khứ và hiện tại, do sự khai thác môi trường, mở rộng đô thị, đường xá, cầu cống, săn bắt triệt để, buôn bán trái phép. Việc chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn bị săn bắt với cường độ cao trong tự nhiên. Được xếp vào danh lục CITES phụ lục II. Bổ sung Nghị định 32/HĐBT. Nhóm IB. Nhóm động vật nghiêm cấm khai thác và sử dụng; cần triệt để việc cấm săn bắt và buôn bán trái phép. Cần thành lập các trại nuôi tập thể, khuyến khích nuôi gia đình ở những địa phương có nghề bắt rắn truyền thống.

 

 

 

  TRĂN GẤM Python reticulatus - Ảnh: Phùng mỹ Trung  
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này